Có bao nhiêu giai đoạn trong giải quyết vụ án hình sự?

(có 1 đánh giá)

Tôi có một vài thắc mắc sau: Trong giải quyết vụ án hình sự có mấy giai đoạn? Căn cứ nào sẽ được sử dụng để khởi tố vụ án hình sự? Mong nhận được phản hồi. Câu hỏi của anh H đến từ Hồ Chí Minh.

Luật hình sự là gì? Vụ án hình sự là gì?

Luật hình sự được hiểu là tập hợp có hệ thống các quy phạm pháp luật xác định rõ những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm, đồng thời quy định hình phạt có thể áp dụng đối với người đã thực hiện các tội phạm đó.Với tư cách là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, luật hình sự có đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh riêng, đồng thời tuân theo một hệ thống các nguyên tắc riêng biệt và có những nhiệm vụ riêng. Đối tượng điều chỉnh của luật hình sự là quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và người phạm tội khi tội phạm xảy ra. Ngành luật hình sự điều chỉnh mối quan hệ này bằng việc xác định rõ quyền và nghĩa vụ pháp lí của hai chủ thể, đó là Nhà nước và người phạm tội.

Trong đó, các quy phạm pháp luật hình sự được chia thành 2 loại:

- Loại quy phạm quy định những nguyên tắc, nhiệm vụ của luật hình sự, những vấn đề chung về tội phạm và hình phạt... Những quy phạm này tạo thành phần chung của luật hình sự.

- Loại quy phạm quy định các tội phạm cụ thể, loại và mức hình phạt với các loại tội phạm. Những quy phạm này tạo thành phần các tội phạm của luật hình sự.

(Nguồn Cổng thông tin điện tử Xã Hoằng Phượng)

Vụ án hình sự được hiểu là vụ việc phạm pháp có dấu hiệu là tội phạm đã được quy định trong Bộ luật hình sự đã được cơ quan điều tra ra lệnh khởi tố về hình sự để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo các trình tự, thủ tục đã được quy định ở Bộ luật hình sự tố tụng. Người vi phạm pháp luật đã bị khởi tố về hình sự để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo các quy định của Bộ luật hình sự tố tụng tức đã can án hình sự sẽ bị áp dụng một số biện pháp do luật quy định như phải khai cung, phải có mặt tại nơi và vào thời gian do các cơ quan tiến hành tố tụng - cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án quy định, có trường hợp bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế như tạm giam, khám nhà... Có thể bị phạt tù, bị cấm hành nghề nếu qua xét xử tòa án đã đủ chứng cứ chứng minh là phạm tội và đã ra quyết định bằng một bản án hình sự.

Có bao nhiêu giai đoạn trong giải quyết vụ án hình sự?

Có bao nhiêu giai đoạn trong giải quyết vụ án hình sự? (Hình từ Internet)

Các giai đoạn trong giải quyết vụ án hình sự được tiến hành thế nào?

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định quy trình giải quyết vụ án hình sự sẽ trải qua 06 giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Khởi tố vụ án hình sự (Chương IX Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

Khi có căn cứ khởi tố vụ án hình sự tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì các cơ quan sau đây sẽ có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự:

- Cơ quan điều tra;

- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

- Viện kiểm sát nhân dân;

- Hội đồng xét xử.

Giai đoạn 2: Điều tra vụ án hình sự (quy định từ Chương 10 đến chương 17 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.)

Ngay sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự thì giai đoạn tiếp theo trong quy trình giải quyết vụ án hình sự là điều tra vụ án hình sự.

Trong giai đoạn này các cơ quan điều tra áp dụng mọi biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án.

Nhiệm vụ của giai đoạn điều tra là: xác định tội phạm và người thực hiện tội phạm; xác định thiệt hại do tội phạm gây ra; xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

Giai đoạn 3: Truy tố vụ án hình sự ( Phần thứ ba Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

Truy tố vụ án hình sự là giai đoạn thứ ba trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, sau khởi tố, điều tra vụ án. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay chưa quy định cụ thể thế nào là truy tố vụ án hình sự.

Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn, có thể hiểu truy tố là việc đưa người phạm tội ra trước Tòa án để tiến hành xét xử. Thẩm quyền thực hiện quyền truy tố thuộc về Viện kiểm sát.

Giai đoạn 4: Xét xử vụ án hình sự (Phần 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).

Giai đoạn xét xử vụ án hình sự bao gồm:

(1) Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự;

(2) Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự;

- Xét xử sơ thẩm: Trường hợp bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn quy định thì sẽ có hiệu lực pháp luật và được thi hành án. Ngược lại, trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị phải tiến hành xét xử phúc thẩm.

Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án được quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Xét xử phúc thẩm: Được thực hiện khi bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị. Thẩm quyền xét xử phúc thẩm được giao cho cấp cao hơn xét xử lại bản án bị kháng cáo, kháng nghị của cấp dưới và được quy định cụ thể tại Điều 344 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Giai đoạn 5: Thi hành bản án (Phần 5 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).

Sau khi đã có bản án Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.

Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm.

Giai đoạn 6: Xét lại bản án đã có hiệu lực quy định tại Phần 6 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Thủ tục xét lại bản án đã có hiệu lực bao gồm: Thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm.

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó

Căn cứ nào được sử dụng để khởi tố vụ án hình sự?

Theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ sau:

- Tố giác của cá nhân;

- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

- Người phạm tội tự thú.

(có 1 đánh giá)
Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.121