Người lao động của doanh nghiệp ngoài nhà nước có xin chuyển công tác được không?

(có 1 đánh giá)

Cho tôi hỏi tôi có làm việc tại doanh nghiệp A, trụ sở chính tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh nay tôi muốn xin chuyển công tác về chi nhánh của công ty cho gần nhà có được không? – Ngọc Duy (TP. Hồ Chí Minh)

Người lao động của doanh nghiệp ngoài nhà nước có xin chuyển công tác được không?

Người lao động của doanh nghiệp ngoài nhà nước có xin chuyển công tác được không? (Hình từ Internet)

1. Người lao động là gì? Doanh nghiệp ngoài nhà nước là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ Luật lao động 2019 quy định về người lao động như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

Như vậy có thể hiểu đơn giản người lao động người làm việc cho người sử dụng lao động (trong đó bao gồm doanh nghiệp) có sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Còn Doanh nghiệp ngoài Nhà nước có thể hiểu là bao gồm các doanh nghiệp có vốn thuộc sở hữu tư nhân của một người hoặc nhóm người, trong đó bảo đảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước chiếm từ 50% vốn điều lệ trở xuống.

2. Nhân viên hợp đồng có được xin chuyển công tác được không?

Trước tiên cần xét đến nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động được quy định tại Điều 5, Điều 6 Bộ Luật lao động 2019 đều sẽ có nghĩa vụ sau:

“Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác”

Như vậy có thể hiểu hợp đồng lao động là thỏa thuận của các bên khi phát sinh mối quan hệ ràng buộc và các bên phải tôn trọng, tuân thủ những nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã ký kết.

Và căn cứ quy định về nội dung hợp đồng lao động tại Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH có quy định về địa điểm làm việc như sau:

“Địa điểm làm việc của người lao động: địa điểm, phạm vi người lao động làm công việc theo thỏa thuận; trường hợp người lao động làm việc có tính chất thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi đầy đủ các địa điểm đó.”

Theo đó địa điểm làm việc là một trong những nội dung  thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp, vì vậy các bên phải tôn trọng và thực hiện thỏa thuận này, trường hợp một trong các bên muốn thay đổi nội dung của hợp đồng bao gồm cả thay đổi địa điểm làm việc thì phải được sự đồng ý của bên còn lại và thể hiện bằng phụ lục hợp đồng có chữ ký đồng ý của các bên.

Phụ lục hợp đồng lao động được quy định tại Điều 22 Bộ Luật lao động 2019 bao gồm những nguyên tắc thực hiện sau:

  • Phụ lục hợp đồng lao động là bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.
  • Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
  • Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.
  • Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.

Tóm lại có thể hiểu rằng việc người lao động có nhu cầu chuyển công tác tới địa điểm làm việc khác thì phải được doanh nghiệp đồng ý và các bên ký kết phụ lục hợp đồng thể hiện về việc thay đổi địa điểm làm việc so với hợp đồng ban đầu để làm căn cứ xác nhận thỏa thuận sửa đổi, hạn chế tranh chấp có thể xảy ra cũng như giảm thiểu rủi ro về pháp lý cho doanh nghiệp và người lao động.

(có 1 đánh giá)
Trần Đăng Khoa
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.044