Phân biệt giữa vốn điều lệ và vốn pháp định? Việc định giá tài sản góp vốn điều lệ được thực hiện ra sao?

(có 2 đánh giá)

Theo tôi tìm hiểu thì pháp luật hiện hành không còn định nghĩa về vốn pháp định, vậy vốn điều lệ và vốn pháp định có giống nhau không? Và việc định giá tài sản góp vốn điều lệ được thực hiện ra sao? câu hỏi của anh Nam (Hà Nội).

Phân biệt giữa vốn điều lệ và vốn pháp định?

Dưới đây là bảng tổng hợp một số điểm dùng để phân biệt giữa vốn điều lệ và vốn pháp định, cụ thể như sau:

Tiêu chí

Vốn điều lệ

Vốn pháp định

Định nghĩa

Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần (theo khoản 34 Luật Doanh nghiệp 2020).

Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp (theo khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 (đã hết hiệu lực từ 01/07/2015)).

Cơ sở xác định

Khi thành lập công ty bắt buộc phải đăng ký vốn điều lệ

Vốn điều lệ có thể tăng hoặc giảm trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Vốn pháp định không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà được xác định theo ngành nghề kinh doanh cụ thể.

Công ty dự định thành lập có ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định thì vốn góp phải tối thiểu bằng vốn pháp định.

Mức vốn

Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu hay tối đa khi thành lập công ty

Mức vốn pháp định là cố định đối với từng ngành nghề kinh doanh.

Thời hạn góp vốn

Góp vốn đủ từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện

Thực hiện góp vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng ký

Tài sản dùng để góp vốn điều lệ gồm những loại nào?

Tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tài sản dùng để góp vốn điều lệ cụ thể như sau:

Tài sản góp vốn

1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

Theo đó, tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Cũng theo quy định này, chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với các loại tài sản trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.

Phân biệt giữa vốn điều lệ và vốn pháp định? Việc định giá tài sản góp vốn điều lệ được thực hiện ra sao?

Phân biệt giữa vốn điều lệ và vốn pháp định? Việc định giá tài sản góp vốn điều lệ được thực hiện ra sao? (Hình từ Internet)

Việc định giá tài sản góp vốn điều lệ được thực hiện ra sao?

Căn cứ Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc định giá tài sản góp vốn điều lệ như sau:

- Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

- Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá.

+ Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

+ Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá.

+ Đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

- Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá.

+ Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.

+ Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá.

+ Đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

(có 2 đánh giá)
Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.242