Chứng chỉ đo đạc hạng 1 cấp cho cá nhân đáp ứng điều kiện gì? Nội dung bài sát hạch cấp chứng chỉ được quy định ra sao?

(có 1 đánh giá)

Tôi có thắc mắc là để được cấp chứng chỉ đo đạc hạng 1 thì cần đáp ứng những điều kiện gì? Nội dung bài sát hạch cấp chứng chỉ đo đạc được quy định ra sao và cơ quan nào sẽ cấp loại chứng chỉ này? câu hỏi của anh Thiên (Phan Thiết).

Chứng chỉ đo đạc hạng 1 cấp cho cá nhân đáp ứng điều kiện gì?

Căn cứ Điều 53 Luật Đo đạc và bản đồ 2018 quy định như sau:

Chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ

1. Chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ là văn bản xác nhận năng lực hành nghề, do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều này và có giá trị trong cả nước.

2. Mỗi chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ cấp cho một hoặc một số nội dung hành nghề theo Danh mục hành nghề đo đạc và bản đồ; công dân Việt Nam hành nghề đo đạc và bản đồ độc lập phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với công việc thực hiện; chứng chỉ có thời hạn ít nhất là 05 năm và được gia hạn.

3. Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

b) Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;

c) Đã qua sát hạch kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

4. Chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ được phân thành 02 hạng sau đây:

a) Hạng I được cấp cho cá nhân có trình độ từ đại học trở lên, có thời gian ít nhất là 05 năm liên tục tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ và đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Hạng II được cấp cho cá nhân có trình độ từ đại học trở lên, có thời gian ít nhất là 02 năm liên tục tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; cá nhân có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng, có thời gian ít nhất là 03 năm liên tục tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ và đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này.

...

Theo đó, chứng chỉ đo đạc hạng 1 cấp cho cá nhân đáp ứng các điều kiện sau:

- Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

- Có trình độ từ đại học trở lên, có thời gian ít nhất là 05 năm liên tục tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ

- Đã qua sát hạch kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

Chứng chỉ đo đạc hạng 1 cấp cho cá nhân đáp ứng điều kiện gì?

Chứng chỉ đo đạc hạng 1 cấp cho cá nhân đáp ứng điều kiện gì? (Hình từ Internet)

Nội dung bài sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc được quy định ra sao?

Theo khoản 2 Điều 44 Nghị định 27/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a, điểm b khoản 15 Điều 1 Nghị định 136/2021/NĐ-CP) quy định như sau:

Sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ, nội dung sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề

...

Nội dung sát hạch bao gồm:

a) Sát hạch kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật;

b) Việc sát hạch thực hiện theo hình thức thi trắc nghiệm trong thời gian 45 phút;

c) Đề thi sát hạch gồm 40 câu hỏi, trong đó có 24 câu hỏi về kinh nghiệm nghề nghiệp và 16 câu hỏi về kiến thức pháp luật có liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;

d) Số điểm tối đa cho mỗi đề sát hạch là 100 điểm, trong đó điểm tối đa cho phần kinh nghiệm nghề nghiệp là 60 điểm, điểm tối đa cho phần kiến thức pháp luật là 40 điểm. Cá nhân có kết quả sát hạch từ 80 điểm trở lên thì đạt yêu cầu xét cấp chứng chỉ hành nghề.

Trường hợp cá nhân được miễn sát hạch một trong hai phần sát hạch thì kết quả sát hạch phần còn lại phải đạt 80% của số điểm tối đa trở lên của phần sát hạch;

đ) Việc sát hạch kinh nghiệm nghề nghiệp thực hiện cho từng nội dung hành nghề theo Danh mục hành nghề đo đạc và bản đồ quy định tại Điều 42 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP;

e) Việc sát hạch kiến thức pháp luật chỉ thực hiện một lần trong kỳ sát hạch.

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 44 Nghị định 27/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 15 Điều 1 Nghị định 136/2021/NĐ-CP) quy định các trường hợp được miễn sát hạch như sau:

Sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ, nội dung sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề

...

3. Các cá nhân được miễn sát hạch bao gồm:

a) Miễn sát hạch kinh nghiệm nghề nghiệp đối với đo đạc bản đồ viên hạng II hoặc tương đương trở lên;

b) Miễn sát hạch kiến thức pháp luật về đo đạc và bản đồ đối với cá nhân có trình độ đại học trở lên chuyên ngành luật; cá nhân là Tổ trưởng, Tổ phó, Thư ký Ban soạn thảo, Tổ biên tập của ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội hoặc Chính phủ.

Đối chiếu với những quy định trên, cá nhân được cấp chứng chỉ đo đạc hạng 1 cần đáp ứng các điều kiện nêu tại khoản 4 Điều 53 Luật Đo đạc và bản đồ 2018 và vượt qua bài thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ (trừ trường hợp được miễn sát hạch).

Cơ quan nào có thẩm quyền cấp chứng chỉ đo đạc hạng 1?

Tại khoản 5 Điều 53 Luật Đo đạc và bản đồ 2018 quy định như sau:

Chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ

...

5. Thẩm quyền sát hạch, cấp, gia hạn, cấp lại, cấp đổi, thu hồi chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ được quy định như sau:

a) Cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường sát hạch, cấp, gia hạn, cấp lại, cấp đổi, thu hồi chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hạng I;

b) Cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sát hạch, cấp, gia hạn, cấp lại, cấp đổi, thu hồi chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hạng II.

...

Theo đó, cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có thẩm quyền cấp chứng chỉ đo đạc hạng 1.

(có 1 đánh giá)
Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.812