Chứng thực sơ yếu lý lịch cần mang theo những giấy tờ gì? Có bắt buộc chứng thực tại nơi thường trú không?

Tôi có thắc mắc là khi đi chứng thực sơ yếu lý lịch thì cần mang theo những giấy tờ gì và tôi có bắt buộc phải về quê để chứng thực sơ yếu lý lịch hay không? Thời gian trả kết quả là trong ngày hay sao? Câu hỏi của chị Hân (Hà Nội).

 

Chứng thực sơ yếu lý lịch được hiểu như thế nào?

Sơ yếu lý lịch được hiểu là tờ khai tổng quan về thông tin cá nhân bao gồm tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, nơi sinh,quan hệ nhân thân và những thông tin khác như quá trình học tập, làm việc…

Sơ yếu lý lịch được sử dụng trong các hoạt động như xin việc làm, nhập học hoặc trong một số thủ tục hành chính,...

Tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định như sau:

Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Cấp bản sao từ sổ gốc” là việc cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao. Bản sao từ sổ gốc có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.

2. “Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

3. “Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.

...

Theo đó, chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực. Như vậy, về bản chất thì chứng thực sơ yếu lý lịch chính là chứng thực chữ ký.

Chứng thực sơ yếu lý lịch cần mang theo những giấy tờ gì? Có bắt buộc chứng thực tại nơi thường trú không?

Chứng thực sơ yếu lý lịch cần mang theo những giấy tờ gì? Có bắt buộc chứng thực tại nơi thường trú không? (Hình từ Internet)

Chứng thực sơ yếu lý lịch cần mang theo những giấy tờ gì? Có bắt buộc chứng thực tại nơi thường trú không?

Theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định như sau:

Thủ tục chứng thực chữ ký

1. Người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

a) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;

b) Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký.

2. Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, nếu thấy đủ giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và việc chứng thực không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 25 của Nghị định này thì yêu cầu người yêu cầu chứng thực ký trước mặt và thực hiện chứng thực như sau:

a) Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký theo mẫu quy định;

b) Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

Đối với giấy tờ, văn bản có từ (02) hai trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

...

Chiếu theo quy định này thì người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;

- Sơ yếu lý lịch.

Đồng thời tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định như sau:

Thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực

...

3. Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi chung là Cơ quan đại diện) có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các việc quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều này. Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự ký chứng thực và đóng dấu của Cơ quan đại diện.

4. Công chứng viên có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các việc quy định tại Điểm a Khoản 1, Điểm b Khoản 2 Điều này, ký chứng thực và đóng dấu của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng (sau đây gọi chung là tổ chức hành nghề công chứng).

5. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.

6. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà.

Quy định này có nêu, việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.

Như vậy, người yêu cầu chứng thực sơ yếu lý lịch không bắt buộc phải thực hiện tại nơi thường trú mà có thể thực hiện tại bất kỳ địa điểm nào có thẩm quyền chứng thực chữ ký được quy định tại khoản 9 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.

Thời gian trả kết quả chứng thực sơ yếu lý lịch được quy định như thế nào?

Tại Điều 7 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định như sau:

Thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực

Thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực phải được bảo đảm ngay trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ; trừ trường hợp quy định tại các Điều 21, 33 và Điều 37 của Nghị định này.

Theo đó, có hai trường hợp như sau:

Trương hợp 01: Việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu chứng thực sơ yếu lý lịch trước 15 giờ thì thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực phải được bảo đảm ngay trong ngày.

Trương hợp 02: Việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu chứng thực sơ yếu lý lịch sau 15 giờ thì phải trả kết quả thực hiện chứng thực sơ yếu lý lịch vào ngày hôm sau.

 

Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.431