Hai điều dưỡng sửa chữa phiếu xét nghiệm Covid – 19 sẽ đối diện với hình thức xử lý nào?

Trong giai đoạn cả nước đang nâng cao cảnh giác và dùng mọi biện pháp tích cực nhất để chống dịch thì có hai điều dưỡng làm giả phiếu kết quả xét nghiệm Covid – 19. Đến hiện tại hai người liên quan chính này đã bị tạm đình chỉ công tác tuy nhiên việc làm giả, lan truyền kết quả xét nghiệm sẽ đối điện với mức phạt nào?

Tóm tắt sự việc

Trước đó, người dân Đà Nẵng được phen hốt hoảng khi mạng xã hội lan truyền một phiếu xét nghiệm COVID-19 có kết quả dương tính. Sau đó kết quả xác minh cho thấy phiếu xét nghiệm này là giả mạo. Người có tên trong phiếu là NTKA (sinh năm 1976, trú quận Liên Chiểu), điều dưỡng của Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu.

Bà A. được cử tham gia lớp học điều dưỡng tại Bệnh viện Đà Nẵng nên phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi đi học.

Ngày 2-12, bà A. có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và để phiếu xét nghiệm tại nơi làm việc. Một điều dưỡng sau đó đã chụp lại, sửa kết quả từ "âm tính" thành "dương tính" rồi gửi vào nhóm trò chuyện kín trên Zalo với mục đích “trêu chọc”.

Ngay sau đó, phiếu xét nghiệm này đã lan truyền trên mạng xã hội khiến dư luận hoang mang.

Ngày 3-12, ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, cho biết đã tạm đình chỉ công tác đối hai nữ điều dưỡng để phục vụ công tác điều tra.

Hình thức xử lý

Với hành vi cố tình sửa kết quả xét nghiệm Covid – 19 của đồng nghiệp từ âm tính sang dương tính gây hoang mang dư luận những người liên quan sẽ phải chịu xử phạt hành chính. Nếu qua quá trình điều tra nhận thấy những sai phạm nghiêm trọng thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trông lĩnh vực y tế thì người liên quan trực tiếp trong sự việc sẽ bị xử phạt bởi vi phạm những điều sau:

Vi phạm làm lộ tình trạng bệnh, thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án. Căn cứ vào khoản 03 điều 38 Nghị định này sẽ bị xử phạt từ 1 – 3 triệu đồng.

Hành vi sửa kết quả xét nghiệm

Căn cứ vào điểm e khoản 5 điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP thì nữ điều dưỡng đã có hành vi tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh cụ thể là sửa kết quả xét nghiệm Covid – 19 từ âm tính sang dương tính sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng.

Hành vi đưa thông tin sai lệch

Đối với hành vi này, cả người cố tình làm giả thông tin lẫn người lan truyền thông tin đều sẽ bị xem xét xử phạt, bởi theo Điểm b Khoản 3 Điều 7 Nghị định 117 phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng trong đó có hành vi cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Như vậy mức phạt hành chính mà những người liên quan trong vụ việc làm giả và lan truyền kết quả xét nghiệm là từ 16 – 33 triệu đồng tùy vào mức độ cũng như là dựa vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.544