Lao động có được hưởng lương khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh?

(có 1 đánh giá)

Lao động có được hưởng lương khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không? Nếu vẫn được trả lương mà doanh nghiệp chậm trả lương cho lao động thì sẽ bị phạt tiền thế nào? Lương chậm trả được xác định ra sao? câu hỏi của anh N (Huế).

Doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong trường hợp nào?

Doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong các trường hợp được nêu tại khoản 2 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể gồm các trường hợp sau:

- Tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;

- Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Lao động có được hưởng lương khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh?

Lao động có được hưởng lương khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh? (Hình từ Internet)

Lao động có được hưởng lương khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không?

Theo khoản 3 Điều Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về trách nhiệm tài chính của doanh nghiệp khi tạm ngừng kinh doanh như sau:

Tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh

...

3. Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.

...

Theo quy định này, khi tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính sau:

- Nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ;

- Tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động;

Trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.

Như vậy, có thể hiểu, khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ thanh toán lương cho người lao động, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trả lương không đúng thời hạn cho người lao động, doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu?

Tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP và khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Vi phạm quy định về tiền lương

...

2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

...

5. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

...

Đồng thời tại Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần

1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

...

Theo những quy định này, trường hợp người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động thì bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng tùy thuộc vào số lượng người lao động bị chậm trả lương.

Tuy nhiên, mức phạt tiền kể trên chỉ áp dụng cho người sử dụng lao động là cá nhân, trường hợp là doanh nghiệp thì mức phạt tiền sẽ giao động từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Ngoài bị xử lý hành chính, doanh nghiệp còn phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi này.

(có 1 đánh giá)
Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.216