Nghi án: Chơi “bạo dâm” làm chết bạn tình trường hợp này pháp luật xử lý ra sao?

(có 1 đánh giá)

Vừa qua hàng loạt tờ báo đã đưa tin: Cơ quan chức năng đã lập hồ sơ, tạm giữ một thanh niên nghi chơi “trò chơi tình dục” BDSM dẫn đến chết người ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Trong trường hợp này pháp luật quy định và xử lý như thế nào?

Tóm tắt vụ việc

Ngày 24/12 người dân phát hiện một nam thanh niên tử vong ở đường Nguyễn Hữu Cảnh – Bình Thạnh. Nạn nhân chết ở tư thế quỳ, chân tay bị trói ở khu vực ban công, đầu gục xuống, phần đầu bị quấn băng keo màu đen... Qua lời khai và trích xuất camera cơ quan chức năng đã tạm giữ thanh niên tên V vì nghi chơi “trò chơi tình dục” BDSM dẫn đến chết người.

Pháp luật quy định như thế nào?

Cần làm rõ khái niệm bạo dâm – khổ dâm là gì?

Bạo dâm (tiếng Anh: sadism) hay “ác dâm” là một dạng hoạt động tình dục bất thường nằm trong nhóm lệch lạc tình dục. Người mắc chứng ác dâm được định nghĩa như là người chỉ tìm thấy khoái lạc, cực khoái tình dục khi hành hạ hoặc làm cho đối tượng phải đau đớn khổ sở trong khi quan hệ tình dục (Wikipedia – VN).

Theo như lời khai của V thì Tr (nạn nhân) có thể được xét vào trường hợp “khổ dâm”.

Hành vi của khổ dâm tức là thay vì làm đau bạn tình của mình thì họ lại thích hứng chịu đòn roi đánh đập, hành hạ, thậm chí là nhục hình của bạn tình nhằm tự tạo kích thích, tìm kiếm khoái cảm dục tình (Tham vấn y khoa: BS – Nguyễn Thường Hạnh).

Vì Tr (nạn nhân) là người đã yêu cầu V: “lấy dây trói, lấy khăn ướt bịt miệng, mắt, rồi dùng băng keo đen quấn lại nhiều vòng...”

Hậu quả gây ra là làm chết người có thể do ngạt khí,… điều này sẽ được cơ quan chức năng và bộ phận pháp y điều tra làm rõ.

Thanh niên bị tạm giữ điều tra có thể bị truy tố hình sự tội “Vô ý làm chết người”

Trước hết chúng ta cần phân tích về tội vô ý làm chết người. Theo đó, hành vi vô ý làm chết người được thể hiện thông qua việc người phạm tội không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.

Bởi vì hoạt động tình dục bạo dâm – khổ dâm được các chuyên gia sức khỏe cảnh báo ẩn chứa rất nhiều nguy cơ về sức khỏe gây các chấn thương thậm chí là thiệt mạng. Nên hành vi hoạt động tình dục này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng mà người thực hiện hành vi có thể thấy trước hoặc phải thấy trước rằng hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin hậu quả đó không xảy ra.

Hành vi của nam thanh niên bị tạm giữ có dấu hiệu của tội vô ý làm chết người. Để làm rõ  hơn vấn đề này chúng ta cùng phân tích cấu thành tội phạm của tội vô ý làm chết người, cụ thể như sau:

Chủ thể của tội phạm

Là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên và người thực hiện hành vi có năng lực trách nhiệm hình sự.

V- 32t là người thực hiện hành vi có năng lực trách nhiệm hình sự.

Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội Vô ý làm chết người là quyền sống của con người. Đối tượng tác động của tội phạm này là con người mà cụ thể là tính mạng của T.

Mặt khách quan của tội phạm

Trong số các dấu hiệu của mặt khách quan, dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc phải có ở mọi tội phạm. Nếu không có hành vi nguy hiểm cho xã hội thì không có tội phạm, vì vậy Điều 8 Bộ luật Hình sự  2015 quy định tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện bằng phương pháp hành động hoặc bằng phương pháp không hành động.

Trường hợp trên được xét hành vi nguy hiểm thể hiện dưới dạng hành động là hành vi làm một việc mà Luật hình sự cấm đó là vô ý làm chết người và hậu quả là nạn nhân chết xuất phát từ hành vi vô ý của người phạm tội gây ra.

Mặt chủ quan của tội phạm

Ý thức của người phạm tội lúc này là phạm tội thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi do vô ý bao gồm cả vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin.

Trong trường hợp này có thể V sẽ bị xét vào trường hợp vô ý làm chết người vì quá tự tin vì người phạm tội có thể thấy trước hành vi của mình là nguy hiểm gây ra hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra và có thể ngăn ngừa được nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.

Hình phạt cao nhất có thể đối diện là phạt tù đến 05 năm tù

Người phạm tội vô ý làm chết một người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 128 có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều thì Tòa án có thể áp dụng Điều 54 phạt người phạm tội dưới sáu tháng tù hoặc chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn theo bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Bài viết trên thể hiện quan điển của tác giả. Hiện sự việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

(có 1 đánh giá)
Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.330