Phân biệt công chứng và chứng thực?

(có 1 đánh giá)

Công chứng và chứng thực có phải là một không? Phân biệt giữa công chứng và chứng thực dựa trên các yếu tố như giá trị pháp lý, thẩm quyền thực hiện và các loại văn bản nào thì không thể công chứng, chứng thực? Câu hỏi của chị Y (Gia Lai).

Công chứng và chứng thực là gì? Có phải là một không?

Công chứng và chứng thực là hai khái niệm pháp lý hoàn toàn khác nhau. Mặc dù có một số điểm chung, nhưng công chứng và chứng thực mang mục đích và quy trình thực hiện riêng biệt.

Cụ thể tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 có giải thích: "công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng."

Trong khi đó, chứng thực lại được hiểu là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính, bản gốc... để chứng thực giấy tờ, văn bản, hợp đồng, giao dịch theo quy định của Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định hoạt động chứng thực gồm:

- Cấp bản sao từ sổ gốc;

- Chứng thực bản sao từ bản chính;

- Chứng thực chữ ký;

- Chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Phân biệt công chứng và chứng thực?

Phân biệt công chứng và chứng thực? (Hình từ Internet)

Giá trị pháp lý của công chứng và chứng thực được quy định ra sao?

(1) Giá trị pháp lý của văn bản được công chứng quy định tại Điều 5 Luật Công chứng 2014, cụ thể:

- Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

- Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

- Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

- Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.

(2) Giá trị pháp lý của văn bản được chứng thực được quy định tại Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.

- Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Về thẩm quyền thực hiện công chứng và chứng thực có gì khác nhau?

(1) Về thẩm quyền công chứng văn bản, các tổ chức sau sẽ có thẩm quyền:

- Tổ chức hành nghề công chứng gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan (quy định về Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được đề cập tại Chương III Luật Công chứng 2014).

- Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (thẩm quyền cụ thể của các cơ quan này được quy định tại Điều 78 Luật Công chứng 2014).

(2) Về thẩm quyền chứng thực văn bản được xác định theo Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

- Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài;

- Công chứng viên.

Những văn bản nào không thể thực hiện công chứng và chứng thực?

(1) Các trường hợp văn bản không thực hiện công chứng được quy định tại khoản 4 Điều 61 Luật Công chứng 2014, cụ thể gồm:

- Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch đã bị tẩy xoá, sửa chữa, thêm, bớt hoặc bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung;

- Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch thuộc bí mật nhà nước; giấy tờ, văn bản bị cấm phổ biến theo quy định của pháp luật.

(2) Các văn bản không thực hiện chứng thực được quy định tại Điều 22 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, cụ thể bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao:

- Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ.

- Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung.

- Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp.

- Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.

- Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này.

- Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

(có 1 đánh giá)
Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.087 
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Chuyên viên pháp lý hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Chuyên viên pháp lý
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Chuyên viên pháp lý hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Chuyên viên pháp lý