Phân biệt điểm sàn và điểm chuẩn

(có 1 đánh giá)

Tôi muốn biết điểm sàn và điểm chuẩn có gì khác nhau và ảnh hưởng của điểm chuẩn, điểm sàn đối với thí sinh? - Thanh Hồng (TP HCM)

1. Thế nào là điểm sàn và điểm chuẩn?

(1) Điểm sàn là gì?

Điểm sàn được hiểu là ngưỡng điểm tối thiểu mà thí sinh phải đạt được để các trường Đại học, Cao đẳng làm cơ sở xét tuyển sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay chỉ quy định mức điểm sàn với một số ngành đào tạo như giáo viên, y khoa, y học cổ truyền, răng – hàm – mặt, dược học, điều dưỡng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng,… đào tạo trình độ đại học.

Do đó, những trường tham gia đào tạo những ngành này phải xây dựng phương án tuyển sinh dựa trên ngưỡng điểm sàn đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Với những nhóm ngành khác, các trường hoàn toàn có thể tự xác định và công bố điểm sàn dựa vào chỉ tiêu xét tuyển và điểm thi của thí sinh.

(2) Điểm chuẩn là gì?

Điểm chuẩn là mức điểm tối thiểu mà thí sinh cần đạt để có đủ điều kiện trúng tuyển vào trường, ngành học mình đăng ký xét tuyển.

Tuy nhiên, ở một số trường đại học có số lượng thí sinh đăng ký lớn vượt quá chỉ tiêu sẽ áp dụng các tiêu chí phụ để xét các thí sinh có điểm thi bằng đúng với điểm chuẩn và ở cuối danh sách xét tuyển.

Thông thường, các trường sẽ công bố điểm chuẩn sau khi kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng.

Phân biệt điểm sàn và điểm chuẩn

Phân biệt điểm sàn và điểm chuẩn (Hình từ Internet)

2. Phân biệt điểm sàn và điểm chuẩn

Điểm sàn và điểm chuẩn có thể được phân biệt dựa trên các tiêu chí như sau:

- Về thời điểm công bố:

+ Điểm sàn sẽ công bố trước hoặc trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh;

+ Điểm chuẩn được các trường công bố sau khi đã kết thúc thời gian điều chỉnh nguyện vọng.

- Về tính chất:

+ Điểm sàn mang tính tham khảo để đăng ký vào các ngành, các trường. Thí sinh có điểm xét tuyển cao hơn điểm sàn sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn.

+ Điểm chuẩn là điều kiện để trúng tuyển vào ngành học, trường học mà thí sinh đã đăng ký.

- Trong nhiều trường hợp, điểm chuẩn thường cao hơn điểm sàn.

3. Điểm sàn và điểm chuẩn ảnh hưởng thế nào đối với thí sinh?

Các trường sẽ lựa chọn thí sinh trúng tuyển và công bố điểm chuẩn dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh và điểm số của thí sinh đã đăng ký. Vì vậy, thí sinh cần nghiên cứu kỹ điểm sàn năm tuyển sinh và điểm chuẩn các năm trước để đăng ký nguyện vọng phù hợp.

Không thể đưa ra chính xác được con số chênh lệch giữa điểm sàn và điểm chuẩn bởi vì tùy vào độ hot của trường mà mức điểm chuẩn và điểm sàn chênh lệch với nhau. Với những trường top đầu thì điểm chênh lệch giữa điểm chuẩn và điểm sàn khá lớn, có khi lên tới 6 đến 7 điểm. Ngược lại cũng có trường chỉ chênh lệch 1 đến 2 điểm, thậm chí còn bằng điểm sàn.

Có thể nói, các trường khi công bố điểm sàn xét tuyển đều căn cứ vào số lượng nguyện vọng, thứ tự thực hiện nguyện vọng và điểm thi của thí sinh. Tuy vậy, nhiều trường đưa ra điểm sàn khá thấp, thấp hơn nhiều so với mức điểm chuẩn dự kiến để đảm bảo hồ sơ.

Thí sinh cần theo dõi diễn biến của từng trường và ngành mình đăng ký trước khi nộp hồ sơ. Điểm xét tuyển của thí sinh càng cao hơn điểm sàn thì thí sinh càng có nhiều cơ hội trúng tuyển.

Trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng lần cuối, thí sinh có thể so sánh điểm chuẩn của ngành mình muốn xét tuyển ở các năm trước với điểm thi thực tế để lựa chọn và sắp xếp thứ tự nguyện vọng đăng ký xét tuyển hợp lý.

 

(có 1 đánh giá)
Nguyễn Thị Hoài Thương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.329