Pháp luật có nên nghiên cứu thêm về chế tài hành vi “bùng hàng, bom hàng” trên thị trường hiện nay?

Từ vụ “bùng hàng” 150 mâm cỗ gây thiệt hại gần 200 triệu đồng đến việc “bom hàng” của các thánh đặt hàng. Đây được xem là việc làm vô đạo đức, liệu pháp luật có dự định can thiệt giảm thiểu tình trạng này khi mà tình trạng “bùng hàng, bom hàng” ngày càng phổ biến và có xu hướng tăng cao.

Tình trạng “bom hàng” hiện nay

“Bùng hàng, bom hàng” cụm từ mà mọi người gán cho một bộ phận khách hàng đặt đồ qua các shop bán hàng online nhưng khi giao hàng thì lại không nhận với những lý do không chính đáng, khó chấp nhận và siêu “khó đỡ”. Nhiều trường hợp, shipper gọi “cháy máy” nhưng khách không nghe, nhắn tin không trả lời.

Hành vi dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa thì cũng gây thiệt hại không nhỏ đến người bán và các shipper giao hàng.

Để khắc phục tối đa tình trạng này các cửa hàng đã làm đủ biện pháp từ việc bắt đặt cọc hàng trước hay là “check” thông tin khách chính thống trước khi giao hàng cho đến công khai danh sách các “thánh bom hàng” tuy nhiên vẫn không cải thiện nhiều. Các thượng đế “nhàn vi cư bất thiện” này không mảy may nghĩ đến đạo đức hay thiệt hại mà người khác phải chịu.

Ngoài các cửa hàng hay các shop online bị bom hàng thì một bộ phận người giao hàng, các tài xế công nghệ vận chuyển đồ ăn là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong các phi vụ bom hàng.

Đã từng xảy ra những trường hợp, tài xế giao nhận đồ ăn phải “ăn cho hết” hai phần ăn khách đặt nhưng sau đó tắt máy không liên lạc được, hay trường hợp một tài xế khác bị “bom hàng” 6 li trà sữa uống cả ngày cũng không hết được,…

Những tài xế giao hàng với thu nhập mỗi ngày mức khá cũng khoảng từ 200-300 ngàn đồng, thỉnh thoảng bị “bom” một đơn hàng như thế cũng bị vơi hơn quá nửa thu nhập một ngày.

Tình trạng “bom hàng” cả trăm mâm cỗ là điều hiếm thấy cho thấy tình trạng đặt vui nhưng thiệt hại là thật. Hằng ngày các shop bán hàng vẫn đối diện với tình hình bom hàng thiệt hại từ vài trăm đến vài triệu hay cánh tài xế đi toi mất cả ngày làm chỉ vì một phần ăn của khách đặt “vui mồm.”

Pháp luật liệu có nên vào cuộc để bảo vệ những người làm ăn lương thiện chân chính?

Luật pháp nên nghiên cứu việc phạt hình sự và hành chính hành vi “bùng hàng, boom hàng”

Hành vi bùng hàng, bom hàng dường như song hành với sự phát triển của thương mại điện tử thời nay. Khi mà các shop mọc lên ngày càng nhiều tình trạng cạnh tranh cao trong đó có hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng việc bom hàng, bùng hàng.

Khi đặt hàng online trên mạng, thì cũng xem như là đã giao kết một hợp đồng với bên còn lại. Tức là người sẽ nhận hàng và có nghĩa vụ trả số tiền đã hiển thị trên thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính) khi đặt hàng. Do đó, hành vi "bom hàng" có thể được xem là vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và phải bồi thường.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là người đặt hoàn toàn có thể giả mạo danh tính, địa chỉ, số điện thoại. Do đó, việc truy cứu sẽ khá mất thời gian. Và quan trọng hơn, giá trị bị bom thường không lớn đến mức để những người giao hàng truy cứu kiện tụng. Vì vậy, chỉ có thể đánh giá những người bom hàng trên phương diện đạo đức và lương tâm của họ mà pháp luật không thể can thiệp thêm.

Hiện tại chưa có cơ chế xử lý rõ ràng cho hành vi này. Do đó, người bán nên cẩn thận hơn. Nên có những biện pháp riêng để ngăn chặn tình trạng bùng hàng online.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.086