Ranh giới mong mang giữa việc sử dụng ma túy trái phép và hành vi tàng trữ chất ma túy trái phép

Pháp luật quy định hành vi sử dụng ma túy trái phép chỉ bị xử phạt hành chính mà không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên việc tàng trữ, vận chuyển để sử dụng ma túy để sử dụng thì vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sử dụng ma túy trái phép sẽ bị xử phạt hành chính

Vì nhân đạo, nhân văn, pháp luật xem người nghiện ma túy là nạn nhân nên hành vi sử dụng ma túy trái phép chỉ bị xử phạt hành chính.

Nếu người sử dụng ma túy chỉ đơn thuần tụ tập cùng nhau sử dụng ma túy thì họ bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Tuy nhiên, ranh giới giữa nạn nhân và phạm nhân đối với người nghiện ma túy theo Bộ luật Hình sự năm 2015 rất mong manh. Có trường hợp sử dụng chất ma túy nhưng bên cạnh đó còn tàng trữ trái phép chất ma túy không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy nhưng vẫn bị xử lý hình sự.

Cụ thể như tại Khoản 1 - Điều 249, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy nhưng thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 1-5 năm

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Tàng trữ nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao coca có khối lượng từ 1g đến dưới 500g,  heroine, cocaine, methamphetamine, amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1g đến dưới 5g...

Không chỉ mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy mà ngay cả hành vi tổ chức, chứa chấp, rủ rê, lôi kéo người sử dụng ma túy trái phép cũng  bị xử lý hình sự.

Hệ thống các văn bản pháp luật hướng dẫn thực thi pháp luật hình sự nói chung và các tội phạm về ma túy nói riêng ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên việc xác định tội danh và việc áp dụng tình tiết phạm tội cũng còn gặp không ít khó khăn nhất là giữa hành vi sử dụng ma túy trái phép và hành vi tàng trữ chất ma túy trái phép.

Việc thu thập đủ bằng chứng chứng minh động cơ, mục đích phạm tội của bị can, bị cáo có ý nghĩa quan trọng để xác định có tội hay không có tội, bị can bị khởi tố, truy tố, xét xử ở khung khoản nào của Điều luật cho phù hợp.

Như vậy để định tội giữa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và tội tàng trữ trái phép chất ma túy cần phải xác định động cơ mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh người tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm mục đích sử dụng, đã bị phạt hành chính, bị kết án,… để định tội danh.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.435