Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú? Tờ khai đăng ký tạm trú hiện nay sử dụng theo mẫu nào?

(có 1 đánh giá)

Cho tôi hỏi sinh viên ở trọ thì có phải đăng ký tạm trú hay không, mẫu đơn khai báo, đăng ký tạm trú hiện nay sử dụng theo mẫu nào và đăng ký ra sao? Thời gian ở trọ từ bao lâu thì mới có thể đăng ký tạm trú? (Thành Đạt - Bình Thuận)

Sinh viên ở trọ phải đăng ký tạm trú sau khoản thời gian bao nhiêu ngày?

Căn cứ Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định về đăng ký tạm trú như sau:

Điều kiện đăng ký tạm trú

1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

2. Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần

3. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này."

Như vậy, bạn đang là sinh viên ở trọ khi đến sống tại nơi khác với mục đích học tập thì sau thời gian 30 ngày thì phải đăng ký tạm trú.Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể gia hạn.

Thủ tục đăng ký tạm trú được thực hiện theo trình tự thủ tục như thế nào? Tờ khai đăng ký tạm trú hiện nay sử dụng theo mẫu nào?

Căn cứ Điều 28 Luật Cư trú 2020 quy định về thủ tục đăng lý tạm trú như sau:

Hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú

1. Hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

2. Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn tạm trú đã đăng ký, công dân phải làm thủ tục gia hạn tạm trú.

Hồ sơ, thủ tục gia hạn tạm trú thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Sau khi thẩm định hồ sơ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin về thời hạn tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Từ quy định trên thì thủ tục đăng ký tạm trú có thể thực hiện theo 03 bước như sau:

Bước 1: chuẩn bị hồ sơ đăng ký tạm trú

(1) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

(2) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Người dân điển tờ khai thay đổi thông tin cư trú theo Mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư 56/2021/TT-BCA.

Bước 2: Nộp tờ khai

Nộp trực tiếp tại Công an cấp xã và nhận Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.

Bước 3: Nhận giấy xác nhận nơi tạm trú

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Ngoài ra, công dân cũng có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, hoặc qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Trình tự thủ tục đăng ký tạm trú. Mẫu tờ khai đăng ký tạm trú. (Hình từ internet)

Sinh viên ở trọ không đăng ký tạm trú thì sinh viên hay chủ nhà trọ sẽ là người bị xử phạt vi phạm hành chính?

Căn cứ Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú như sau:

Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;

b) Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;

c) Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú;

b) Mua, bán, thuê, cho thuê sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;

c) Mượn, cho mượn hoặc sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;

d) Đã cư trú tại chỗ ở hợp pháp mới, đủ điều kiện đăng ký cư trú nhưng không làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật;

đ) Kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú từ 01 đến 03 người lưu trú;

e) Tổ chức kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú;

g) Cầm cố, nhận cầm cố sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ, tài liệu về cư trú;

h) Hủy hoại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ, tài liệu về cư trú.

..."

Từ quy định trên thì trong trường hợp sinh viên ở trọ mà không đăng ký tạm trú thì cả sinh viên lẫn chủ nhà trọ đều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

- Đối với sinh viên: nếu không đăng ký tạm trú sẽ được xem là hành vi không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

- Đối với chủ nhà trọ: nếu không thực hiện thông báo việc lưu trú của sinh viên (từ 01 đến 03 người lưu trú) thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng

Xem thêm: Có được chứng thực sơ yếu lý lịch nơi tạm trú?

(có 1 đánh giá)
Thành Nhân
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.330