115 là số gì? Ngoài 115 người dân cần nhớ những số điện thoại khẩn cấp nào?

Xin cho tôi hỏi 115 là số gì? Ngoài 115 người dân cần nhớ những số điện thoại khẩn cấp nào? - Hoàng Linh (Hải Phòng)

115 là số gì? Ngoài 115 người dân cần nhớ những số điện thoại khẩn cấp nào?

115 là số gì? Ngoài 115 người dân cần nhớ những số điện thoại khẩn cấp nào? (Hình từ internet)

1. 115 là số gì?

Số điện thoại cấp cứu 115 là một đầu số khẩn cấp quan trọng mà người dân cần nhớ để yêu cầu sự hỗ trợ cấp cứu. Số điện thoại này dùng để gọi nhanh đến tổng đài cứu thương với mục đích điều xe cứu thương đến nơi yêu cầu trong khoảng thời gian nhanh nhất, dùng trong các trường hợp khẩn cấp cần cấp cứu hoặc đang bị thương nặng.

Ngoài ra, nhân viên tổng đài của số điện thoại cấp cứu 115 cũng sẽ hướng dẫn cách sơ cứu trong trường hợp cần thiết khi xe cứu thương chưa kịp đến.

Theo đó, khi gọi đến số điện thoại cấp cứu 115 người gọi cần cần phải lắng nghe và thực hiện chính xác những gì nhân viên hướng dẫn để tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc.

2. Gọi tổng đài 115 có mất phí không?

Cụ thể, tại Điều 29 Luật Viễn thông 2009 quy định dịch vụ viễn thông khẩn cấp như sau:

- Dịch vụ viễn thông khẩn cấp là dịch vụ gọi đến các số liên lạc khẩn cấp của cơ quan công an, cứu hỏa, cấp cứu.

- Bộ Thông tin và Truyền thông quy định các số liên lạc khẩn cấp trong quy hoạch kho số viễn thông quốc gia; hướng dẫn thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông khẩn cấp.

- Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm:

+ Thông báo cho người sử dụng dịch vụ viễn thông và đăng trong Danh bạ điện thoại công cộng các số liên lạc khẩn cấp;

+ Bảo đảm khả năng truy nhập của người sử dụng dịch vụ viễn thông đến các số liên lạc khẩn cấp;

+ Miễn giá cước gọi đến các số liên lạc khẩn cấp cho người sử dụng dịch vụ điện thoại cố định nội hạt.

Như vậy, theo quy định nêu trên, khi gọi đến tổng đài 115, người dân sẽ hoàn toàn được miễn phí giá cước gọi.

3. Ngoài 115 người dân cần nhớ những số điện thoại khẩn cấp nào?

Ngoài 115, người dân cần ghi nhớ những số khẩn cấp sau để dùng cho các trường hợp cần thiết:

- Số khẩn cấp 112: Số dịch vụ gọi tìm kiếm, cứu nạn. Số dùng chung, dịch vụ toàn quốc, dịch vụ khẩn cấp.

- Số khẩn cấp 113: Số dịch vụ gọi công an. Số dùng chung, dịch vụ toàn quốc, dịch vụ khẩn cấp.

- Số khẩn cấp 114: Số dịch vụ gọi cứu hỏa. Số dùng chung, dịch vụ toàn quốc, dịch vụ khẩn cấp.

- Số khẩn cấp 115: Số dịch vụ gọi cấp cứu y tế. Số dùng chung, dịch vụ toàn quốc, dịch vụ khẩn cấp.

(Phụ lục 3 Ban hành kèm theo Thông tư 22/2014/TT-BTTTT (Sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 27/2021/TT-BTTTT)

4. Gọi cho các số điện khoản khẩn cấp để quấy rối bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định người vi phạm sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu như thực hiện một trong các hành vi sau đây với mục đích quấy rối, đe dọa, xúc phạm:

- Gọi điện thoại đến số khẩn cấp như 111, 113, 114, 115;

- Gọi điện thoại cho đường dây nóng của các cơ quan và tổ chức.

Lưu ý: Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định thì mức phạt tiền trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, cá nhân có hành vi gọi điện đến số điện thoại khẩn cấp như 111, 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Nguyễn Ngọc Quế Anh
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.152