Đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư cần những giấy tờ gì? Khi được miễn đào tạo nghề luật sư có được miễn tập sự hành nghề luật sư không?

(có 1 đánh giá)

Xin hỏi, tôi không biết đã là kiểm sát viên thì có được miễn đào tạo nghề luật sư không? Những đối tượng nào được miễn đào tạo nghề luật sư? Để chứng minh thuộc đối tượng được miễn cần những giấy tờ gì? Khi được miễn đào tạo nghề luật sư thì có được miễn tập sự hành nghề luật sư hay không? Câu hỏi của chị Hồng Ánh (Đồng Nai).

Đã là kiểm sát viên thì có được miễn đào tạo nghề luật sư không? Những đối tượng nào được miễn đào tạo nghề luật sư?

Theo Điều 13 Luật Luật sư 2006 quy định về người được miễn đào tạo nghề luật sư như sau:

Người được miễn đào tạo nghề luật sư

1. Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.

2. Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật.

3. Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

4. Đã là thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.”

Theo quy định trên, những đối tượng sau sẽ được miễn đào tạo nghề luật sư:

- Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.

- Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật.

- Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

- Đã là thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

Như vậy, một người đã là kiểm sát viên thì sẽ được miễn đào tạo nghề luật sư.

Đối tượng được miễn đào tạo nghề Luật sư cần giấy tờ gì?

Đối tượng được miễn đào tạo nghề Luật sư cần giấy tờ gì? (Hình từ Internet)

Để chứng minh thuộc đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư cần những giấy tờ gì?

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 05/2021/TT-BTP quy định như sau:

Giấy tờ chứng minh được miễn đào tạo nghề luật sư và miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư

Giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định tại Điều 13 của Luật Luật sư hoặc được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 16 của Luật Luật sư bao gồm một trong các giấy tờ sau đây:

1. Bản sao Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Biên bản bầu thẩm phán của Hội đồng nhân dân đối với trường hợp thẩm phán do Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh bầu.

2. Bản sao Quyết định phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật hoặc bản sao bằng tiến sỹ luật.

3. Bản sao Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát hoặc Quyết định bổ nhiệm chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

4. Bản sao Quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc trong lĩnh vực pháp luật.

5. Các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư; miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư.”

Như vậy, giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề luật sư gồm một trong các giấy tờ cụ thể trên.

Khi được miễn đào tạo nghề luật sư thì có được miễn tập sự hành nghề luật sư hay không?

Theo khoản 1 Điều 16 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định như sau:

Người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư

1. Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư.

2. Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.

3. Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.”

Theo đó, được miễn tập sự hành nghề luật sư đối với người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

Một số trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 nêu trên sẽ được giảm thời gian tập sự, cụ thể như sau:

- Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm 2/3 thời gian tập sự hành nghề luật sư (giảm 8 tháng còn 4 tháng).

- Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm 1/2 thời gian tập sự hành nghề luật sư (giảm 6 tháng còn 6 tháng).

Thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười hai tháng theo khoản 1 Điều 14 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012.

Như vậy, khi được miễn đào tạo nghề luật sư không đồng nghĩa với việc được miễn tập sự hành nghề luật sư mà cần phải xem có thuộc đối tượng được miễn tập sự hành nghề luật nêu trên không.

(có 1 đánh giá)
Mai Hoàng Trúc Linh
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.264