Kiểm toán nội bộ là gì? Tiêu chuẩn của người làm công tác kiểm toán nội bộ

(có 2 đánh giá)

Xin cho tôi hỏi người làm công tác kiểm toán nội bộ cần đáp ứng những tiêu chuẩn gì? - Khánh Vy (Phú Yên)

Kiểm toán nội bộ là gì? Tiêu chuẩn của người làm công tác kiểm toán nội bộ

Kiểm toán nội bộ là gì? Tiêu chuẩn của người làm công tác kiểm toán nội bộ (Hình từ internet)

Kiểm toán nội bộ đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Điều này là do các doanh nghiệp ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của kiểm toán nội bộ trong việc giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu của mình.

1. Kiểm toán nội bộ là gì?

Căn cứ theo khoản 1 và 3 Điều 39 Luật Kế toán 2015 quy định như sau:

Kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, thích hợp và tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ.

Kiểm soát nội bộ là việc thiết lập và tổ chức thực hiện trong nội bộ đơn vị kế toán các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra.

2. Tiêu chuẩn của người làm công tác kiểm toán nội bộ

Cụ thể tại Điều 11 Nghị định 05/2019/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn của người làm công tác kiểm toán nội bộ như sau:

- Có bằng đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu kiểm toán, có kiến thức đầy đủ và luôn được cập nhật về các lĩnh vực được giao thực hiện kiểm toán nội bộ.

- Đã có thời gian từ 05 năm trở lên làm việc theo chuyên ngành đào tạo hoặc từ 03 năm trở lên làm việc tại đơn vị đang công tác hoặc từ 03 năm trở lên làm kiểm toán, kế toán hoặc thanh tra.

- Có kiến thức, hiểu biết chung về pháp luật và hoạt động của đơn vị; có khả năng thu thập, phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin; có kiến thức, kỹ năng về kiểm toán nội bộ.

- Chưa bị kỷ luật ở mức cảnh cáo trở lên do sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính, kế toán hoặc không đang trong thời gian bị thi hành án kỷ luật.

- Các tiêu chuẩn khác do đơn vị quy định.

3. Trách nhiệm và quyền hạn của người làm công tác kiểm toán nội bộ

* Trách nhiệm:

- Thực hiện kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt;

- Xác định các thông tin đầy đủ, tin cậy, phù hợp và hữu ích cho việc thực hiện các mục tiêu kiểm toán;

- Căn cứ vào các phân tích và đánh giá phù hợp để đưa ra kết luận và các kết quả kiểm toán một cách độc lập, khách quan;

- Lưu các thông tin liên quan để hỗ trợ các kết luận và đưa ra kết quả kiểm toán;

- Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm toán được giao thực hiện;

- Bảo mật thông tin theo đúng quy định của pháp luật;

- Không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp;

- Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và Quy chế kiểm toán nội bộ của đơn vị.

* Quyền hạn:

- Trong khi thực hiện kiểm toán có quyền độc lập trong việc nhận xét, đánh giá, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán;

- Có quyền yêu cầu bộ phận/đơn vị được kiểm toán cung cấp kịp thời, đầy đủ tài liệu, thông tin có liên quan đến nội dung kiểm toán;

- Bảo lưu ý kiến bằng văn bản về kết quả kiểm toán trong phạm vi được phân công;

- Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Quy chế kiểm toán nội bộ của đơn vị.

(Điều 23 Nghị định 05/2019/NĐ-CP)

4. Trách nhiệm và quyền hạn của người phụ trách kiểm toán nội bộ

* Trách nhiệm:

- Quản lý và điều hành bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện nhiệm vụ theo quy định;

- Đảm bảo nhân sự của bộ phận kiểm toán nội bộ được đào tạo thường xuyên, có đủ trình độ, năng lực chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ;

- Thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan, trung thực của kiểm toán nội bộ;

- Báo cáo các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 05/2019/NĐ-CP khi phát hiện các vấn đề yếu kém, tồn tại của hệ thống kiểm soát nội bộ;

- Có ý kiến khi có đề nghị tham vấn của người phụ trách kiểm toán nội bộ các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc;

- Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm toán do bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện;

- Bảo mật thông tin theo đúng quy định của pháp luật;

- Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và Quy chế kiểm toán nội bộ của đơn vị.

* Quyền hạn:

- Đề xuất với các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 05/2019/NĐ-CP ban hành quy chế, quy trình kiểm toán nội bộ và các phương pháp nghiệp vụ kiểm toán nội bộ;

- Được đề nghị trưng tập người ở các bộ phận khác của đơn vị; được đề xuất thuê chuyên gia, tư vấn, thuê dịch vụ kiểm toán tham gia các cuộc kiểm toán nội bộ khi cần thiết, với điều kiện đảm bảo tính độc lập của kiểm toán nội bộ;

- Dự các cuộc họp theo quy định nội bộ của đơn vị và quy định của pháp luật;

- Thực hiện các quyền hạn như:

+ Trong khi thực hiện kiểm toán có quyền độc lập trong việc nhận xét, đánh giá, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán;

+ Có quyền yêu cầu bộ phận/đơn vị được kiểm toán cung cấp kịp thời, đầy đủ tài liệu, thông tin có liên quan đến nội dung kiểm toán;

+ Bảo lưu ý kiến bằng văn bản về kết quả kiểm toán trong phạm vi được phân công;

- Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Quy chế về kiểm toán nội bộ của đơn vị.

(Điều 24 Nghị định 05/2019/NĐ-CP)

(có 2 đánh giá)
Hồ Quốc Tuấn
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.302