Luật Dân sự là gì? Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự

(có 2 đánh giá)

Luật Dân sự là gì? Nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự gồm những nguyên tắc nào? – Thu Hằng (Đà Nẵng)

Luật Dân sự là gì? Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự

Luật Dân sự là gì? Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Luật Dân sự là gì?

Luật dân sự là ngành luật trong hệ thống pháp luật, là tổng hợp những quy phạm điều chỉnh các quan hệ tài sản và một số quan hệ nhân thân trong giao lưu dân sự trên cơ sở bình đẳng, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia các quan hệ dân sự.

Luật dân sự gồm các nguyên tắc cơ bản và có chế định khác nhau như:

- Chế định tài sản và quyền sở hữu;

- Chế định nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự;

- Chế định nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật;

- Chế định thực hiện công việc không có ủy quyền; chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;

- Chế định thừa kế;

- Chế định chuyển quyền sử dụng đất;

- Chế định quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

2. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự

- Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

- Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

- Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

- Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

- Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

(Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015)

3. Bộ luật Dân sự mới nhất

Bộ luật Dân sự mới nhất là Bộ luật Dân sự 2015.

- Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự:

Bộ luật Dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).

(Điều 1 Bộ luật Dân sự 2015)

- Áp dụng Bộ luật dân sự:

+ Bộ luật Dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự.

+ Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

+ Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng.

+ Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật này và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

(Điều 4 Bộ luật Dân sự 2015)

- Chính sách của Nhà nước đối với quan hệ dân sự:

+ Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.

+ Trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích.

(Điều 7 Bộ luật Dân sự 2015)

(có 2 đánh giá)
Nguyễn Thị Diễm My
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.505