Người lao động có được phép ứng tiền lương trước khi nghỉ tết không? Không tạm ứng tiền lương cho người lao động thì có vi phạm pháp luật không?

(có 5 đánh giá)

Cho tôi hỏi, gần đây công ty tôi thường hay chậm trả tiền lương cho nhân viên, thời gian tết cũng gần tới nên vấn đề này khiến tôi và nhiều người lao động khác lo lắng. Nếu người lao động xin ứng lương trước tết thì có được giải quyết không? Trường hợp phía công ty tôi từ chối việc tạm ứng tiền lương thì có vi pham quy định nào hay không? (Ngân Ngân - Thanh Hóa)

Người lao động bị chậm trả lương thì có được bồi thường hay không?

Căn cứ Bộ Luật Lao Động 2019 quy định về kỳ hạn trả lương cho người lao động như sau:

Kỳ hạn trả lương

1. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.

2. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Theo quy định thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người lao động không đúng hạn nếu đã tìm mọi cácn khắc phục những không giải quyết được. Tuy nhiên, thời hạn chậm trả lương cũng không được phép vượt quá 30 ngày.

Trường hợp chị bị chậm trả lương từ 15 ngày trở lên thì phía người sử dụng lao động phải đền bù cho chị một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Nguoi-lao-dong-co-duoc-phep-ung-tien-luong-truoc-khi-nghi-tet-khong-Khong-tam-ung-tien-luong-cho-nguoi-lao-dong-thi-co-vi-pham-phap-luat-khong

Người lao động có được phép ứng tiền lương trước khi nghỉ tết không? (Hình từ Internet)

Người lao động có được phép ứng tiền lương trước khi nghỉ tết hay không?

Căn cứ Bộ Luật Lao động 2019 quy định về việc ứng tiền lương như sau:

Tạm ứng tiền lương

1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

Theo quy định thì người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Như vậy, việc chị có thể ứng tiền lương trước tết hay không sẽ tùy theo thỏa thuận của chị với phía công ty.

Do việc tạm ứng tiền lương là do thỏa thuận từ hai bên (trừ trường hợp bắt buộc phải cho ứng tiền lương)  nên nếu người sử dụng lao động từ chối tạm ứng tiền lương thì cũng không vi phạm pháp luật.

Người lao động được phép ứng lương trong những trường hợp nào khác ngoài việc trường hợp thỏa thuận giữa hai bên?

Căn cứ Bộ Luật Lao động 2019 quy định về việc tạm đình chỉ công việc như sau:

Tạm đình chỉ công việc

1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.

2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Như vậy, trong trường hợp bị tạm đình chỉ công việc thì người lao động có thể tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

(có 5 đánh giá)
Thành Nhân
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.296