Phân biệt tiền án và tiền sự như thế nào?

(có 2 đánh giá)

Khi nào thì một người bị coi là có tiền án, tiền sự, xin phân biệt tiền án và tiền sự giúp tôi? – Hoàng Long (Cần Thơ)

Phân biệt tiền án và tiền sự như thế nào?

Phân biệt tiền án và tiền sự như thế nào? (Hình từ internet)

Tiền án và tiền sự là gì?

Theo pháp luật hiện hành, không có giải thích cụ thể như thế nào là tiền án và tiền sự.

Tuy nhiên, trước đây tại Nghị quyết 01-HĐTP năm 1990 về việc hướng dẫn việc áp dụng Điều 44 Bộ luật Hình sự do Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ban hành, trong đó có đề cập đến tiền án và tiền sự như sau:

“II. VỀ CĂN CỨ ĐỂ CHO NGƯỜI BỊ KẾT ÁN ĐƯỢC HƯỞNG ÁN TREO

Khoản 1 Điều 44 Bộ Luật Hình sự quy định "Khi xử phạt tù không quá 5 năm (1), căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm".

Quy định trên được hiểu như sau:

...

2. Về nhân thân:

a) Nói chung người được hưởng án treo phải là người chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của bản thân, chưa có tiền án, tiền sự. Tuy nhiên, đối với người có tiền án, tiền sự, nếu xét tính chất của tiền án, tiền sự đó cùng với tính chất của tội phạm mới thực hiện và các căn cứ khác thấy không cần thiết phải bắt họ chấp hành hình phạt tù, thì cũng có thể cho họ được hưởng án treo, nhưng tinh thần chung là hạn chế và phải xét thật chặt chẽ.

b) Người đã được xóa án thì không coi là có tiền án. Người đã được xóa kỷ luật, xóa việc xử phạt vi phạm hành chính (tức là đã được coi như chưa bị kỷ luật, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính) thì không coi là có tiền sự. Đối với các quyết định xử lý của cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội mà pháp luật chưa quy định thời hạn để được coi như chưa bị xử lý, nếu tính từ ngày ra quyết định xử lý đến ngày phạm tội đã quá 1 năm, thì không coi là có tiền sự nữa. Đối với các quyết định xử lý của cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội mà pháp luật chưa quy định thời hạn để được coi như chưa bị xử lý, nếu tính từ ngày ra quyết định xử lý đến ngày phạm tội đã quá 1 năm, thì không coi là tiền sự nữa.

...”

Dựa vào nội dung nêu trên thì có thể hiểu về tiền án và tiền sự như sau:

- Tiền án được đặt ra do phát sinh trách nhiệm hình sự. Người có tiền án (hay người có án tích) là người đã bị tòa án ra quyết định kết án và thi hành hình phạt mà chưa được xóa án.

- Tiền sự được đặt ra do phát sinh trách nhiệm hành chính. Người có tiền sự là người đã bị kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, mà người này chưa được xóa kỷ luật, chưa được xóa việc xử phạt hành chính.

Phân biệt tiền án và tiền sự

Dựa trên nội dung đã đề cập, có thể phân biệt tiền án và tiền sự qua các tiêu chí sau đây:

Tiêu chí phân biệt

Tiền án

Tiền sự

Mức độ nguy hiểm của hành vi

Hành vi vi phạm nghiêm trọng, trở thành Tội phạm theo quy định

Hành vi ít nghiêm trọng hơn, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự

Trách nhiệm pháp lý

Bị truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt theo quy định

Bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính

Trường hợp được xóa bỏ tiền án/tiền sự

- Đương nhiên được xóa án tích (Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015).

- Xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015).

- Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt (Điều 72 Bộ luật Hình sự 2015).

- Đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính:

+ Hết 06 tháng đối với hình thức cảnh cáo;

+ Hết 01 năm đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt

- Hết 02 năm kể từ ngày chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính.

(Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).

Hệ quả sau khi được xóa bỏ

Coi như chưa bị kết án

Coi như chưa từng bị xử phạt hành chính

(có 2 đánh giá)
Dương Châu Thanh
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.445 
Việc làm mới nhất