Khái quát về công ty Luật hợp danh và thủ tục thành lập công ty Luật hợp danh

(có 1 đánh giá)

Công ty Luật hợp danh là một loại hình doanh nghiệp cung cấp dịch vụ pháp lý, được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Luật sư và chịu sự quản lý của Sở Tư pháp.

1. Tổng quát về công ty Luật hợp danh

Tổ chức hành nghề luật sư là tổ chức do các luật sư thành lập hoặc tham gia và chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện các hoạt động tư vấn, đại diện và giải quyết các vấn đề pháp lý cho khách hàng. Tổ chức hành nghề luật sư được điều chỉnh bởi quy định của Luật Luật sư 2006 sửa đổi 2012 cụ thể với những loại hình sau:

- Văn phòng luật sư;

- Công ty luật.

Trong đó công ty luật có hai loại hình gồm công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn.

Đối với công ty Luật hợp danh được tổ chức theo quy định tại Điều 34 Luật Luật sư 2006 sửa đổi 2012 như sau:

- Công ty luật hợp danh do ít nhất hai luật sư thành lập.

- Công ty luật hợp danh không có thành viên góp vốn.

- Các thành viên công ty luật hợp danh thoả thuận cử một thành viên làm Giám đốc công ty.

- Tên của công ty luật hợp danh do các thành viên thoả thuận lựa chọn và phải đáp ứng theo quy định của Luật doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ “công ty luật hợp danh”.

- Tên công ty luật hợp danh không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề luật sư khác đã được đăng ký hoạt động, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

2. Cơ cấu và hoạt động của công ty Luật hợp danh

Về cơ cấu:

- Công ty Luật hợp danh phải do ít nhất hai luật sư thành lập và không có thành viên góp vốn.

- Cơ cấu nội bộ công ty Luật hợp danh cho công ty tự quyết định theo điều lệ tuy nhiên bắt buộc phải có có một thành viên làm Giám đốc công ty.

Hoạt động chính của công ty Luật hợp danh

Căn cứ Điều 4, Điều 30 Luật Luật sư 2006 thì công ty Luật hợp danh sẽ có các dịch vụ chính như sau:

- Tham gia tố tụng: Đại diện cho thân chủ (bị cáo, bị đơn, nguyên đơn, người bị hại, hoặc các bên liên quan khác) trong quá trình giải quyết vụ án tại các cơ quan tố tụng như tòa án, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, hoặc các cơ quan giải quyết tranh chấp.

- Tư vấn pháp lý: Cung cấp dịch vụ tư vấn về các vấn đề pháp lý cho cá nhân, doanh nghiệp, và tổ chức, bao gồm các lĩnh vực như dân sự, thương mại, hình sự, lao động, đất đai, và nhiều lĩnh vực khác.

- Đại diện ngoài tố tụng: Đại diện cho khách hàng thực hiện vai trò đại diện cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong các hoạt động, công việc pháp lý không liên quan đến việc tham gia tố tụng tại tòa án hoặc cơ quan tố tụng khác như: đàm phán, hòa giải, trọng tài thương mại…

- Các dịch vụ pháp lý khác bao gồm: Giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.

Khái quát về công ty Luật hợp danh và thủ tục thành lập công ty Luật hợp danh

Khái quát về công ty Luật hợp danh và thủ tục thành lập công ty Luật hợp danh (Hình từ Internet)

3. Thủ tục thành lập công ty Luật hợp danh

a. Hồ sơ

Hồ sơ thành lập công ty Luật hợp danh theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Luật sư 2006 bao gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký hoạt động theo Mẫu TP-LS-03-sđ ban hành kèm theo Thông tư 03/2024/TT-BTP; Tải về

- Dự thảo Điều lệ của công ty luật;

- Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư, bản sao Thẻ luật sư của luật sư thành lập văn phòng luật sư, thành lập hoặc tham gia thành lập công ty luật;

- Giấy tờ chứng minh về trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư.

b. Thủ tục

- Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ nộp Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật là thành viên. Trường hợp công ty luật do luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập thì đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có trụ sở của công ty.

- Thời hạn: 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư; Nếu từ chối thì phải thông báo bằng văn bản.

- Thông báo đến Đoàn luật sư: Trong thời hạn 07 ngày làm việc (kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động), Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao Giấy đăng ký hoạt động cho Đoàn luật sư mà mình là thành viên.

Theo đó hiện nay việc thành lập công ty Luật hợp danh cần tuân thủ các điều kiện về cơ cấu, tổ chức nêu trên, chuẩn bị đủ hồ sơ và nộp tại Sở Tư pháp để được cấp phép hoạt động

(có 1 đánh giá)
Trần Đăng Khoa
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
669 
Việc làm mới nhất