Mẫu đơn xin nghỉ phép và quyền lợi nghỉ phép của người lao động

(có 1 đánh giá)

Nghỉ phép là quyền lợi cơ bản của người lao động, được ghi nhận tại Bộ luật lao động 2019. Nghỉ phép sẽ giúp người lao động có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng và cân bằng cuộc sống của mình. Để nghỉ phép đúng chuẩn và tránh ảnh hưởng đến công việc, người lao động cần viết đơn xin nghỉ phép cũng như nắm rõ quyền lợi nghỉ phép của mình.

Dưới đây là một số thông tin quan trọng liên quan đến đơn xin nghỉ phép và quyền lợi nghỉ phép của người lao động:

Mẫu đơn xin nghỉ phép

Mẫu đơn xin nghỉ phép là văn bản mà người lao động sử dụng để xin nghỉ phép hàng năm. Dựa trên đơn xin nghỉ phép này, người quản lý sẽ sắp xếp, điều chỉnh công việc sao người lao động được nghỉ phép mà không gây gián đoạn cho hoạt động công ty. 

Hiện nay, mỗi công ty có thể có mẫu đơn xin nghỉ phép riêng nhưng thường bao gồm các thông tin cơ bản như sau:

  1. Tiêu đề đơn: Tiêu đề thường ghi là “Đơn xin nghỉ phép” hoặc “Đơn xin nghỉ phép công ty”.
  2. Thông tin cá nhân: Bao gồm tên, mã số nhân viên (nếu có), bộ phận đang công tác.
  3.  Thời gian nghỉ phép: Ghi rõ số ngày nghỉ, từ ngày nào đến ngày nào.
  4. Lý do nghỉ phép: Cần nêu lý do ngắn gọn, rõ ràng như: nghỉ phép hàng năm, nghỉ ốm, nghỉ việc gia đình, v.v.
  5.  Xác nhận công việc bàn giao: Đối với nhiều công việc đặc thù, việc bàn giao công việc trước khi nghỉ phép là rất quan trọng. Người lao động nên ghi rõ tên người nhận bàn giao, để tránh ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung.
  6.  Chữ ký và xác nhận của quản lý: Đơn xin nghỉ phép cần có chữ ký của người lao động và sự đồng ý của quản lý hoặc bộ phận nhân sự.

Người lao động có thể tham khảo mẫu đơn xin nghỉ phép sau: 

Mẫu đơn xin nghỉ phép

Tải Mẫu đơn xin nghỉ phép: Tải về.

Sau khi hoàn tất mẫu đơn xin nghỉ phép, người lao động tiến hành nộp đơn xin nghỉ phép, thông thường sẽ nộp đơn qua các bước sau:

  • Nộp cho cấp quản lý: Đơn xin nghỉ phép cần được gửi cho quản lý trực tiếp để xét duyệt.
  • Gửi cho bộ phận nhân sự: Sau khi được quản lý phê duyệt, người lao động gửi đơn cho bộ phận nhân sự để lưu trữ thông tin và cập nhật vào hệ thống.

Tùy vào quy định nội bộ của công ty mà quy trình có thể khác, người lao động nên dựa theo quy định của công ty mình để thực hiện cho đúng. 

Ngoài ra, để đơn xin nghỉ phép được phê duyệt nhanh chóng và đảm bảo quyền lợi, người lao động cần chú ý các điểm sau:

  • Nên tiến hành xin nghỉ phép sớm để tránh ảnh hưởng đến công việc và đồng nghiệp, đặc biệt là với kỳ nghỉ dài.
  • Đảm bảo rằng công việc đã được sắp xếp và bàn giao hợp lý.

Người lao Động được nghỉ phép bao nhiêu ngày trong năm?

Theo Điều 113 Bộ luật lao động 2019 thì người lao động làm việc đủ 12 tháng trong một công ty sẽ được nghỉ phép hàng năm với số ngày nghỉ như sau:

  • 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.
  • 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật hoặc lao động dưới 18 tuổi. 
  • 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Quyền lợi được tăng ngày phép và các quyền lợi khác khi nghỉ phép

Quyền lợi được tăng ngày phép

Theo Điều 114 Bộ luật lao động 2019 thì cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động sẽ được tăng thêm 1 ngày nghỉ phép. Đây là chính sách khuyến khích tinh thần gắn bó lâu dài với công ty.

Các quyền lợi khác khi nghỉ phép

Theo Điều 113 Bộ luật lao động 2019, mỗi năm người lao động sẽ có số ngày phép cụ thể, trường hợp người lao động chưa nghỉ hết phép trong năm có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để chuyển phép sang năm sau để nghỉ. Các bên có thể thỏa thuận nghỉ gộp phép tối đa 03 năm một lần. 

Ngoài ra, khi nghỉ phép hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ theo quy định tại khoản 3 Điều 101 Bộ luật lao động 2019.

Nếu khi nghỉ phép, người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

(có 1 đánh giá)
Thới Ngọc Hằng
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.023 
Việc làm mới nhất