Thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc trong thời hạn nhất định có đúng luật không?

(có 1 đánh giá)

Hiện nay để ngăn chặn việc bị lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ mà nhiều doanh nghiệp và người lao động đã ký kết thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ sau sau khi nghỉ việc trong thời hạn nhất định. Vậy thỏa thuận này có đúng luật không? Đây là câu hỏi của anh A.G đến từ Tp.HCM.

Thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ được hiểu như thế nào?

Thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ có thể hiểu là việc người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau trong thời gian làm việc, hoặc sau khi nghỉ việc trong một khoảng thời gian không được làm việc cho công ty kinh doanh cùng lĩnh vực.

Thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ nhằm đảm bảo lợi ích, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động không bị tiết lộ, không bị áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật của mình tại công ty khác.

Thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc trong thời hạn nhất định có đúng luật không?

Thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc trong thời hạn nhất định có đúng luật không? (Hình từ Internet)

Thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc trong thời hạn nhất định có đúng luật không?

Theo khoản 1 Điều 10 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.

Bên cạnh đó thì theo khoản 6 Điều 9 Luật Việc làm 2013 thì pháp luật nghiêm cấm hành vi cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng lao động thì tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:

Nội dung hợp đồng lao động

...

2. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.

...”

Theo quy định này, doanh nghiệp và người lao động được quyền thỏa thuận các nội dung trong hợp đồng lao động, trong đó có nội dung bảo vệ bí mật kinh doanh. Tùy từng doanh nghiệp mà nội dung này sẽ được thỏa thuận khác nhau.

Mặc dù có vẻ như thỏa thuận này đã xâm phạm quyền tự do lựa chọn công việc, nơi làm việc của người lao động. Nhưng nếu người lao động đã tự nguyện ký vào bản thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ thì đồng nghĩa người lao động đã lựa chọn từ bỏ quyền này.

Vì vậy, trường hợp người lao động và người sử dụng lao động đều tự nguyện xác lập thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ thì đây được coi là thỏa thuận hợp pháp. Nếu vi phạm thỏa thuận, người lao động phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng lao động theo mức phạt đã thỏa thuận.

Trên thực tế, có Tòa án đã thừa nhận thỏa thuận này. Cụ thể, ngày 12/6/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 755/2018/QĐ-PQTT công nhận hiệu lực của quyết định của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, đứng về phía lợi ích của người sử dụng lao động.

Quyết định này được coi là một tiền lệ về việc thừa nhận tính hợp pháp của thỏa thuận không làm việc cho đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên đây mới chỉ là phán quyết đơn lẻ, chỉ có giá trị tham khảo khi giải quyết những tranh chấp có tính chất tương tự. Chưa có văn bản pháp luật nào chính thức thừa nhận giá trị pháp lý của thỏa thuận này.

Sau khi người lao động nghỉ việc thì các bên có trách nhiệm gì?

Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động của các bên được quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

(1) Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

- Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

- Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

- Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

- Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

(2) Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.

(3) Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

(có 1 đánh giá)
Nguyễn Nhật Vy
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.806