Viện kiểm sát nhân dân là gì? Nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định pháp luật?

(có 1 đánh giá)

Viện kiểm sát nhân dân là gì? Viện kiểm sát nhân dân có chức năng, nhiệm vụ như thế nào theo quy định pháp luật?  – Thanh Huyền (Gia Lai)

Viện kiểm sát nhân dân là gì? Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam được thành lập đầu tiên vào năm nào? Phù hiệu của Viện Kiểm sát nhân dân?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đã được Quốc hội nước Việt nam dân chủ cộng hoà khoá thứ II, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 15 tháng 7 năm 1960 và Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20/LCT ngày 26/7/1960 công bố đánh dấu ra đời của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước ta. Như vậy, Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam được thành lập đầu tiên vào năm 1960.

Tại khoản 1 Điều 11 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 ghi nhận ngày 26 tháng 7 hằng năm trở thành ngày truyền thống của Viện Kiểm sát nhân dân. Tính đến thời điểm ngày 26/7/2024, Viện kiểm sát nhân dân đã thành lập được 64 năm.

Hiện tại, để nhận diện, nhận biết phù hiệu của Viện kiểm sát nhân dân có thể thông qua các đặc điểm như phù hiệu có hình tròn, nền đỏ, viền vàng, có tia chìm ly tâm; ở giữa có hình ngôi sao năm cánh nổi màu vàng; hai bên có hình bông lúa; ở dưới có hình thanh kiếm lá chắn; trên nền lá chắn có nửa bánh xe răng màu xanh thẫm và các chữ “KS” màu bạch kim; nửa dưới phù hiệu có hình dải lụa đỏ bao quanh, phía trước có dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Viện kiểm sát nhân dân là gì? Nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định pháp luật?

Viện kiểm sát nhân dân là gì? Nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định pháp luật? (Hình từ Internet)

Nhiệm vụ, chức năng của Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam theo quy định pháp luật hiện hành?

Theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Với các chức năng chính trong hoạt động của mình bao gồm:

- Chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân;

- Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân;

- Kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân;

Như vậy, với các chức năng chính được liệt kê trên Viện kiểm sát có vai trò to lớn trong hoạt động bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam hoạt động dựa trên kinh phí do ai quyết định?

Kinh phí hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam được quy định tại Điều 94 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 như sau:

- Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất cho Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.

- Kinh phí hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao lập dự toán và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Trong trường hợp Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao không thống nhất về dự toán kinh phí hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định. Việc quản lý, phân bổ và sử dụng kinh phí được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách.

- Kinh phí hoạt động của Viện kiểm sát quân sự do Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương lập dự toán báo cáo Bộ Quốc phòng để đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Việc quản lý, phân bổ và sử dụng kinh phí hoạt động của các Viện kiểm sát quân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách.

- Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị nâng cao năng lực hoạt động cho Viện kiểm sát nhân dân.

Trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc của Viện kiểm sát quân sự do Chính phủ bảo đảm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tóm lại, Viện kiểm sát đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam.

(có 1 đánh giá)
Lê Anh Tú
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.067