Ý nghĩa của nghề luật sư là gì? Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

(có 2 đánh giá)

Vì sao nói nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý? Ý nghĩa của nghề luật sưđược thể hiện như thế nào? – Văn Trọng (TPHCM)

Ý nghĩa của nghề luật sư là gì? Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Ý nghĩa của nghề luật sư Việt Nam (Hình từ internet)

Ý nghĩa của nghề luật sư là gì?

Nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. (Theo Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam)

Theo Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019: Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Điều 3 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012) quy định chức năng xã hội của luật sư: Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Tiêu chuẩn Luật sư hiện nay

Điều 10 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012) quy định rõ về tiêu chuẩn Luật sư. Theo đó, công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành Luật sư.

Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 Luật Luật sư muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn Luật sư.

Về đào tạo nghề luật sư, theo Điều 12 Luật Luật sư, người có Bằng cử nhân luật được tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư.

Thời gian đào tạo nghề luật sư là 12 tháng.

Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư. Chính phủ quy định về cơ sở đào tạo nghề luật sư.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chương trình khung đào tạo nghề luật sư, việc công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài.

Quyền nghĩa vụ của luật sư

Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012) quy định quyền nghĩa vụ của luật sư như sau:

(1) Luật sư có các quyền sau đây:

- Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư và quy định của pháp luật có liên quan;

- Đại diện cho khách hàng theo quy định của pháp luật;

- Hành nghề luật sư, lựa chọn hình thức hành nghề luật sư và hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư;

- Hành nghề luật sư trên toàn lãnh thổ Việt Nam;

- Hành nghề luật sư ở nước ngoài;

- Các quyền khác theo quy định của Luật Luật sư.

(2) Luật sư có các nghĩa vụ sau đây:

- Tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư quy định tại Điều 5 Luật Luật sư;

- Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, tôn trọng người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề;

- Tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu;

- Thực hiện trợ giúp pháp lý;

- Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ;

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Luật sư.

(có 2 đánh giá)
Dương Châu Thanh
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.489