23 tháng chạp năm nay, Táo Pháp luật về trời sẽ tâu những gì?

(có 1 đánh giá)

Năm Canh Tý 2020 với nhiều biến cố xảy ra. Phiên Chầu của các Táo dự kiến sẽ có nhiều điều thú vị và sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong đó Táo Pháp luật sẽ có nhiều điều phải báo cáo với Ngọc Hoàng trong buổi chầu.

Đại dịch Covid - 19 đảo lộn cuộc sống, nhiều tình huống pháp lý mới được áp dụng

  • Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
  • Ngày 10/4/2020, Tòa án nhân huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đã đưa 1 trường hợp ra xét xử theo thủ tục rút gọn và tuyên phạt 9 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ chỉ vài ngày sau khi người này có hành vi không tuân thủ các yêu cầu của lực lượng kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 3/12/2020, lần đầu tiên một tiếp viên của Vietnam Airlines cũng bị khởi tố vì tội làm lây lan Covid-19…

Tình huống pháp lý mới phát sinh khi có dịch Covid-19

Xem thêm:

Chính thức thực thi EVFTA và “mở cửa” vào khu vực kinh tế lớn nhất thế giới

  • Kể từ ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Có thể nói EVFTA là một trong những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, với nhiều cam kết sâu, rộng, bao hàm cả những nội dung truyền thống và phi truyền thống.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)

Việt Nam đảm nhận thành công trọng trách Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Năm Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc

  • Thành công toàn diện, vang dội của các sự kiện này là một đỉnh cao thắng lợi mới của đường lối đối ngoại đa phương của Việt Nam. Đặc biệt, trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, rất nhiều cái “đầu tiên” đã được sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu đề ra: số lượng các hội nghị tăng lên để kịp thời ứng phó Covid-19, Hội nghị cấp cao ASEAN lần đầu tiên đã họp ba lần trong năm thay vì hai lần theo thông lệ; nhiều Hội nghị cấp cao, Hội nghị cấp Bộ trưởng lần đầu được tổ chức trực tuyến; và đặc biệt, nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN cũng được ký kết trực tuyến lần đầu tiên.
  • Cũng trong năm 2020, với vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, Việt Nam đã đề xuất Liên Hợp quốc thông qua Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hàng năm. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây thiệt hại về người và các tác động chưa từng có tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia, đề xuất của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên Liên Hợp quốc. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua.

Việt Nam đảm nhận thành công trọng trách Năm Chủ tịch ASEAN 2020

Tiếp tục công cuộc chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ

  • Năm 2020, công cuộc phòng chống tham nhũng tiếp tục có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt. Trung ương đã xử lý nghiêm khắc các ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên TƯ có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Công cuộc phòng, chống tham nhũng được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
  • Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo điều tra, làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; xử lý nghiêm minh, công khai, kể cả cán bộ cao cấp, đương chức hay nghỉ hưu, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Công cuộc chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Việt Nam chuyển đổi số quốc gia, bỏ sổ hộ khẩu giấy và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

  • Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
  • Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản. Theo đó, phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Việt Nam chuyển đổi số quốc gia

Khuyến khích mọi người dân làm từ thiện, bỏ quy định cấm hát nhép, Thủ tướng yêu cầu sửa ngay nhiều Nghị định

  • Những tháng cuối năm 2020, người dân các tỉnh miền Trung Việt Nam phải hứng chịu các đợt thiên tai, bão lũ ảnh hưởng rất nặng nề. Với tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, tất cả hướng về miền Trung ruột thịt, không chỉ các cơ quan, ban, ngành chức năng mà nhiều nhà hảo tâm cũng tự đứng lên kêu gọi từ thiện, giúp đỡ người dân miền Trung. Trong đó, chỉ riêng ca sỹ Thủy Tiên đã quyên góp được hơn 100 tỷ đồng. Vấn đề pháp lý nảy sinh khi Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo quy định chỉ có các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Nhiều người lo ngại ca sỹ Thủy Tiên sẽ phải đối mặt với các rắc rối pháp lý, thậm chí có thể vướng vòng lao lý, vì số tiền cô quyên góp được ủng hộ đồng bào miền Trung quá lớn.
  • Lắng nghe ý kiến của nhân dân, ngay lập tức, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 để việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh… được bảo đảm hiệu quả, kịp thời, đồng thời khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống.
  • Cùng với việc sửa Nghị định 64, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa thông qua Nghị định Quy định về hoạt động biểu diễn, trong đó có một điều đáng chú ý là việc từ ngày 1/2/2021, bỏ quy định cấm hát nhép khi biểu diễn nghệ thuật. Điều này có nghĩa là, từ sau ngày 1/2/2021, hành vi hát nhép khi biểu diễn nghệ thuật không còn bị cấm như trước đây. Nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 và thay thế cho Nghị định 79/2012/NĐ-CP. Nếu như trước đây, tại Điểm d Khoản 2 Điều 6 Nghị định 79 quy định một trong các hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật là: Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn, thì nay, tại Nghị định 144, Chính phủ đã không còn quy định cấm nêu trên.

Bỏ quy định cầm hát nhép

(có 1 đánh giá)
Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.649