Bản án dân sự sơ thẩm đã quá 5 năm còn hiệu lực pháp luật không? Còn thời hiệu yêu cầu thi hành án không?
Một số vấn đề về hiệu lực của bản án dân sự sơ thẩm mình muốn hỏi. Bản án dân sự sơ thẩm đã quá 5 năm có còn hiệu lực pháp luật không? Bản án này còn có thể yêu cầu thi hành án được hay không? (Huỳnh Mến - Cần Thơ)
Bản án dân sự sơ thẩm đã quá 5 năm có còn hiệu lực pháp luật không?
Theo khoản 1 Điều 17 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định:
“Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm
1. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.
…”
Cũng theo Điều 282 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị
1. Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định cho thi hành ngay.
2. Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.”
Theo đó, bản án dân sự sơ thẩm nếu không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo Điều 273, 280 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
“Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
…
Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.”
Bản án dân sự sơ thẩm khi đã có hiệu lực pháp luật rồi thì về sau vẫn có hiệu lực dù trải qua bao nhiêu năm nữa. Cho nênbản án dân sự sơ thẩm một khi đã có hiệu lực thì dù đã 5 năm, hay 10 năm vẫn còn hiệu lực pháp luật.
Bản án dân sự sơ thẩm đã quá 5 năm có còn hiệu lực pháp luật? (Hình từ internet)
Bản án dân sự sơ thẩm đã quá 5 năm thì còn yêu cầu thi hành án được không?
Theo Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008 có quy định:
“Thời hiệu yêu cầu thi hành án
1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.
3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.”
Theo quy định trên thì trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trừ một số trường hợp khác, hoặc thời gian không được tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án như các quy định trên.
Cho nên bản án dân sự sơ thẩm đã quá 5 năm thì vẫn có thể còn trong thời hiệu yêu cầu thi hành án. Cần đối chiếu trường hợp cụ thể với các quy định trên để xác định chính xác.
Bản án dân sự sơ thẩm bao gồm mấy phần và được quy định như thế nào?
Tại khoản 2 Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
“Bản án sơ thẩm
...
2. Bản án gồm có phần mở đầu, phần nội dung vụ án và nhận định và phần quyết định của Tòa án, cụ thể như sau:
a) Trong phần mở đầu phải ghi rõ tên Tòa án xét xử sơ thẩm; số và ngày thụ lý vụ án; số bản án và ngày tuyên án; họ, tên của các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch; tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện; người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; đối tượng tranh chấp; số, ngày, tháng, năm của quyết định đưa vụ án ra xét xử; xét xử công khai hoặc xét xử kín; thời gian và địa điểm xét xử;
b) Trong phần nội dung vụ án và nhận định của Tòa án phải ghi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu phản tố, đề nghị của bị đơn; yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tòa án phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết của vụ án, những căn cứ pháp luật, nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này thì còn phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và giải quyết các vấn đề khác có liên quan;
c) Trong phần quyết định phải ghi rõ các căn cứ pháp luật, quyết định của Hội đồng xét xử về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo đối với bản án; trường hợp có quyết định phải thi hành ngay thì phải ghi rõ quyết định đó.
…”
Theo đó, bản án dân sự sơ thẩm gồm có phần mở đầu, phần nội dung vụ án và nhận định và phần quyết định của Tòa án được quy định cụ thể ở trên.
-
Mẫu hợp đồng khoán việc mới nhất 2024?
Cập nhật 16 giờ trước -
Kiểm toán nhà nước tuyển dụng 100 công chức năm 2024
Cập nhật 1 ngày trước -
TPHCM tuyển dụng 19 công chức, viên chức theo Nghị định 140
Cập nhật 1 ngày trước -
Khối C gồm những ngành nào? Khối C gồm môn học nào? Khối C làm nghề gì?
Cập nhật 1 ngày trước -
Pháp chế ngân hàng là gì? Tiêu chuẩn để trở thành nhân viên pháp chế ngân hàng
Cập nhật 1 ngày trước -
Inc là gì? Sự khác nhau giữa Corp và Inc
Cập nhật 1 ngày trước -
Khám phá cách viết email xin thực tập cho sinh viên chi tiết nhất
Cập nhật 1 ngày trước
-
Tặng bánh trung thu cho nhân viên có tính thuế TNCN không?
Cập nhật 10 giờ trước -
Tốt nghiệp Cử nhân Luật có làm điều tra viên hình sự được không?
Cập nhật 17 giờ trước -
Cử nhân Luật vừa ra trường có được làm hòa giải viên thương mại không?
Cập nhật 16 giờ trước -
Sinh hoạt công dân đầu khóa trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp
Cập nhật 1 ngày trước -
Học thạc sĩ Luật có quan trọng không? Điều kiện học thạc sĩ Luật năm 2024 là gì?
Cập nhật 1 ngày trước -
Những trường Đại học có xét tuyển khối C năm 2024?
Cập nhật 2 ngày trước