Các trường hợp miễn trách nhiệm pháp lý quốc tế
Cho tôi hỏi trong luật pháp quốc tế quy định như thế nào về các trường hợp miễn trách nhiệm pháp lý quốc tế? - Minh Nhật (Thái Bình)
Các trường hợp miễn trách nhiệm pháp lý quốc tế (Hình từ internet)
Trách nhiệm pháp lý quốc tế là gì?
Trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia là hệ quả pháp lý phát sinh khi quốc gia có hành vi sai phạm quốc tế. Cụ thể là việc khôi phục lại trật tự pháp lý quốc tế thông qua việc áp dụng những hạn chế nhất định về vật chất hoặc phi vật chất đối với quốc gia có hành vi vi phạm luật quốc tế hoặc xâm phạm đến quyền của quốc gia khác, kể cả quyền của quốc gia bị thiệt hại áp dụng những hạn chế này với mục đích đảm bảo sự tuân thủ các quy phạm Luật quốc tế.
Cơ sở truy cứu trách nhiệm pháp lý quốc tế là sự vi phạm các cam kết quốc tế đã được định chế bằng các quy phạm của Luật quốc tế và sự hiện diện của các yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật, bao gồm: hành vi, chủ thể, khách thể, thiệt hại và quan hệ nhân - quả giữa hành vi trái luật gây nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó.
Nguồn của luật quốc tế điều chỉnh trách nhiệm quốc gia là tập quán quốc tế; cho đến nay không có bất kỳ điều ước quốc tế chung nào được ký kết trong ngành luật này. Văn bản quan trọng nhất về trách nhiệm quốc gia là một văn bản không ràng buộc, đính kèm theo một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc – Các điều khoản về trách nhiệm quốc tế của quốc gia cho hành vi sai phạm quốc tế năm 2001 (Articles on International Responsibility of States for Internationally Wrongful Acts – viết tắt là ARSIWA). Văn bản ARSIWA do Uỷ ban Luật Quốc tế (ILC) dự thảo và thông qua năm 2001
Căn cứ phát sinh trách nhiệm pháp lý quốc tế
Căn cứ phát sinh trách nhiệm pháp lý quốc tế bao gồm:
- Có hành vi trái pháp luật quốc tế
+ Là hành vi vi phạm các nguyên tắc và quy phạm luật quốc tế, vi phạm các nghĩa vụ quốc tế, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các cam kết quốc tế, kể cả việc không thực hiện những hành vi cần phải thực hiện theo đúng quy định của luật quốc tế nhằm ngăn ngừa, trừng trị kẻ vi phạm. Biểu hiện của hành vi trái pháp luật rất đa dạng.
+ Có thể xuất phát từ việc quốc gia không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những nghĩa vụ quốc tế đã cam kết. Tại hội nghị Lahaye 1930, ủy ban pháp điển hoá luật quốc tế đã ghi nhận việc "quốc gia phải chịu trách nhiệm về những hành vi của cơ quan mình gây tổn hại cho quốc gia khác vì không tôn trọng nghĩa vụ quốc tế".
+ Đôi khi hành vi trái pháp luật còn bắt đầu từ việc quốc gia làm trái với những quy định trong các văn bản pháp luật mà quốc gia đơn phương ban hành, ngăn cản các quốc gia khác thực hiện các quyền chính đáng của họ.
+ Hành vi trái pháp luật luôn được coi là điều kiện cơ bản để có cơ sở xác định có hay không trách nhiệm pháp lý quốc tế. Thiếu điều kiện này thì không đặt ra trách nhiệm pháp lý quốc tế.
- Có thiệt hại
+ Để buộc một chủ thể luật quốc tế phải gánh chịu trách nhiệm bồi thường do hành vi trái pháp luật của mình thì hành vi đó dù ở mức độ hay hình thức nào cũng phải đã gây ra thiệt hại cho chủ thể khác. Thiệt hại có thể là thiệt hại vật chất (như lãnh thổ, tài sản quốc gia) hoặc là thiệt hại phi vật chất (như chủ quyền, danh dự, uy tín của quốc gia). Nhiều trường hợp, thiệt hại mà một quốc gia phải gánh chịu vừa là thiệt hại vật chất, vừa là thiệt hại phi vật chất.
+ Xác định rõ yếu tố thiệt hại là cơ sở quan trọng để tính toán việc bồi thường. Quốc gia gây thiệt hại chỉ phải bồi thường những thiệt hại trực tiếp.
+ So với điều kiện về hành vi trái pháp luật, yếu tố thiệt hại không có ý nghĩa quyết định đối với việc xác định có trách nhiệm pháp lý quốc tế hay không nhưng lại là cơ sở giải quyết bổi thường thiệt hại khi xác định đã có trách nhiệm pháp lý.
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra
+ Luật quốc tế buộc chủ thể có hành vi trái pháp luật phải chịu trách nhiệm pháp lý trước thiệt hại gây ra nhằm thoả mãn hai mục đích: Ngăn ngừa, khắc phục hậu quả xấu và trừng trị chủ thể vi phạm, duy trì sự ổn định của trật tự pháp lý quốc tế.
+ Mục đích đó đạt được hay không sẽ phụ thuộc vào việc xác định đúng mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.
Các trường hợp miễn trách nhiệm pháp lý quốc tế
Về nguyên tắc mọi vi phạm nghĩa vụ pháp lý được quy cho quốc gia đều cấu thành hành vi sai phạm quốc tế và kéo theo trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, như gần như mọi quy định pháp lý, nguyên tắc trên có ngoại lệ. Các hoàn cảnh sau đây nếu được xác lập có thể loại trừ tính chất sai phạm của hành vi vi phạm và qua đó không phát sinh trách nhiệm pháp lý cho quốc gia vi phạm:
- Có sự đồng ý của quốc gia chịu thiệt hại;
- Là hành vi tự vệ hợp pháp theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc;
- Là biện pháp đối kháng (countermeasures) đối với hành vi sai phạm quốc tế của quốc gia khác (xem mục 6 bên dưới về điều kiện và giới hạn của biện pháp đối kháng);
- Trong hoàn cảnh bất khả kháng (force majeure) do sự xuất hiện của các hiện tượng không thể phản kháng hoặc các sự kiện không thể dự kiến trước, vượt quá sự kiểm soát của quốc gia vi phạm, khiến cho việc thực thi nghĩa vụ là không thể;
- Thực hiện trong hoàn cảnh nguy hiểm (distress) để cứu sinh mạng của những người vi phạm hoặc những người khác mà người vi phạm có trách nhiệm mà không có bất kỳ cách nào khác ngoài thực hiện hành vi vi phạm;
- Do tính cấp thiết (necessity) khi việc vi phạm nghĩa vụ là cách duy nhất để quốc gia vi phạm bảo vệ lợi ích thiết yếu chống lại một nguy cơ nghiêm trọng nhãn tiền và đồng thời, hành vi vi phạm không gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích thiết yếu của quốc gia khác mà quốc gia vi phạm có nghĩa vụ phải thực hiện;
- Là hành vi tuân thủ quy phạm mệnh lệnh bắt buộc chung (jus cogens).
(Điều 20 đến 26 Các điều khoản về trách nhiệm quốc tế của quốc gia cho hành vi sai phạm quốc tế năm 2001)
Tags:
Các trường hợp miễn trách nhiệm pháp lý quốc tế trách nhiệm pháp lý quốc tế miễn trách nhiệm pháp lý trách nhiệm pháp lý quốc tế-
Trách nhiệm của Luật sư trong các Công ty Luật hợp danh như thế nào?
Cập nhật 3 ngày trước -
Công ty của Hiếu PC và Thư Viện Pháp Luật hỗ trợ nạn nhân bị lừa đảo trên mạng
Cập nhật 4 ngày trước -
Khái quát về công ty đấu giá hợp danh và thủ tục đăng ký hoạt động
Cập nhật 5 ngày trước -
Công ty luật có được lập theo loại hình công ty hợp danh hay không?
Cập nhật 5 ngày trước -
Hướng dẫn chuyển đổi từ Công ty luật hợp danh sang Công ty luật TNHH?
Cập nhật 5 ngày trước -
Bảo hiểm thất nghiệp là gì? Những điều cần biết về bảo hiểm thất nghiệp
Cập nhật 4 ngày trước -
Cố vấn pháp lý là gì? Mức lương của cố vấn pháp lý hiện nay là bao nhiêu?
Cập nhật 1 ngày trước
-
Kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024? Mẫu Kế hoạch thực hiện Ngày pháp luật trong trường học 2024?
Cập nhật 14 giờ trước -
Ngày 9 tháng 11 là ngày gì? Tháng 11 người lao động sẽ được nghỉ những ngày nào?
Cập nhật 15 giờ trước -
Cảnh sát hình sự là gì? Cảnh sát hình sự có nhiệm vụ gì? Cảnh sát hình sự học ngành gì?
Cập nhật 20 giờ trước -
Năm 2024: Cục trợ giúp pháp lý tuyển dụng viên chức
Cập nhật 1 ngày trước -
Công văn là gì? Công văn có hiệu lực khi nào? Cách soạn thảo Công văn?
Cập nhật 1 ngày trước -
Mẫu đơn xin chuyển công tác mới nhất năm 2024? Cách viết đơn xin chuyển công tác chính xác?
Cập nhật 2 ngày trước