Câu hỏi tình huống khi phỏng vấn phổ biến và cách trả lời

(có 1 đánh giá)

Các câu hỏi tình huống khi phỏng vấn ứng viên là khâu quan trọng trong việc quyết định có chọn ứng viên hay không của mỗi doanh nghiệp.

Câu hỏi tình huống khi phỏng vấn phổ biến và cách trả lời

Câu hỏi tình huống khi phỏng vấn phổ biến và cách trả lời (Hình từ Internet)

Câu hỏi tình huống khi phỏng vấn là gì?

Câu hỏi tình huống là những câu hỏi không đi trực tiếp vào chuyên môn hay hỏi rõ ràng về một vấn đề nào, những câu hỏi xử lý tình huống hay là việc nhà tuyển dụng dựa trên cách xử lý tình huống để đánh giá thái độ, đặc điểm tính cách, khả năng và kỹ năng; từ đó có cơ sở tuyển ứng viên.

Đặc điểm chính của câu hỏi tình huống là không có một chuẩn mực riêng nào để đánh giá câu trả lời là đúng hay sai. Nhà tuyển dụng sẽ phải cân nhắc và quan sát cách trả lời và ứng xử của ứng viên để đưa ra đánh giá và quyết định.

Câu hỏi tình huống thường được đặt ra dưới 2 dạng:

(1) Tình huống thực tế đã xảy ra

Là những câu hỏi để hỏi về hoạt động thực tế mà ứng viên đã từng trải qua. Ví dụ như: Bạn đã tham gia dự án này chưa? Đã giải quyết tình trạng này như thế nào?…

Khi đó nhà tuyển dụng sẽ biết được thực tế trải nghiệm và một phần cách phong cách làm việc cũng như kỹ năng xử lý vấn đề của ứng viên để đánh giá và cân nhắc.

(2) Tình huống chưa xảy ra

Khác với dạng câu hỏi ứng xử tình huống trên, hỏi về những tình huống giả định có thể sẽ xảy ra trong tương lai sẽ giúp nhà tuyển dụng nắm bắt được tầm nhìn, tư duy phân tích tình hình, khả năng bao quát của ứng viên.

Ứng viên có thể chia sẻ cách họ xử lý tình huống đưa ra bằng hiểu biết, kinh nghiệm cũng như khả năng giải quyết vấn đề của họ chứ không phải thực tế đã trải qua.

Một số câu hỏi tình huống khi phỏng vấn phổ biến và cách trả lời

Các dạng câu hỏi tình huống thường gặp như: dạng câu hỏi giới thiệu bản thân; dạng câu hỏi về khả năng phản ứng; dạng câu hỏi phỏng vấn nhằm bẫy ứng viên.

Dưới đây là một số câu hỏi khi phỏng vấn phổ biến sau đây:

(1) Tôi không đồng ý với ý kiến của bạn, bạn sẽ làm gì?

Gợi ý trả lời: Nếu bạn không đồng ý với ý kiến của tôi, trước tiên tôi sẽ suy nghĩ lại thật kỹ xem bản thân mình có điều gì chưa đúng hay không, tôi đang bị sai hoặc nhầm chỗ nào. Nếu như tôi thấy ý tưởng, ý kiến của mình không hề sai, thì tôi sẽ tiếp tục xem xét đến ưu điểm và nhược điểm trong ý tưởng khác. Nếu tôi chưa thể tìm ra lỗi sai của bản thân, tôi sẽ trình bày một cách rõ ràng về kế hoạch, ý tưởng của mình, từ đó nhận những lời góp ý từ bạn, kết hợp với những ưu điểm trong góp ý của bạn để tổng hợp lại thành một ý tưởng tuyệt vời nhất có thể.

(2) Bạn nghĩ mình có phù hợp với vị trí này không?

Gợi ý trả lời: Đây là câu hỏi tuyển dụng để bạn có cơ hội làm nổi bật lên rằng, bạn có đầy đủ các kỹ năng phù hợp với công việc vị trí đó. Nhưng đừng thể hiện thái quá để giành sự chú ý của họ. Hãy là chính mình khi đứng trước người phỏng vấn, nêu lên những chuẩn bị đã tìm hiểu về việc bạn định ứng tuyển và trình bày kế hoạch của mình để phát triển công việc đó.

(3) Bạn dự định gắn bó lâu dài với công ty chúng tôi không?

Gợi ý: Bạn nên đưa ra câu trả lời rõ ràng về dự định của mình. Người phỏng vấn muốn nghe về sự nghiêm túc của bạn chứ không phải lời sáo rỗng, không có lập trường hoặc dập khuôn trả lời để kiếm việc. Trong trường hợp chưa chắc chắn, hãy khéo léo bày tỏ nguyện vọng gắn bó nếu như cả mình và công ty đều hài lòng về nhau.

(4) Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi?

Gợi ý trả lời: Với câu hỏi phỏng vấn này, nhà tuyển dụng muốn xem ứng viên có hiểu rõ về việc ứng tuyển của họ không. Đồng thời qua đó thể hiện được tính cách của bạn. Hãy tự tin đặc các câu hỏi thắc mắc về công việc như mức lương, chế độ bảo hiểm, những người sẽ làm việc với bạn nếu bạn ứng tuyển,... Nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về lựa chọn ứng tuyển của bạn có phù hợp hay không.

Một số lưu ý trả lời câu hỏi phỏng vấn tình huống khi phỏng vấn

Dưới đây là một số vấn đề ứng viên cần lưu ý trong quá trình trả lời các câu hỏi phỏng vấn tình huống khi phỏng vấn:

- Các giao tiếp và ngôn ngữ cơ thể: Trong quá trình trả lời phỏng vấn, bạn sẽ phải giao tiếp với nhà tuyển dụng bạn. Từ những cái bắt tay hay hành động nhìn vào mắt khi nói chuyện,… đều là những chi tiết cho thấy bạn chính là một ứng cử viên tự tin và sáng giá mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm, ngay cả khi bạn chưa trả lời các câu hỏi phỏng vấn.

- Tránh nói quá nhiều, lan man: Phỏng vấn là cơ hội để bạn giới thiệu bản thân mình nhưng nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy khó chịu khi bạn nói quá nhiều, lan man và thao thao bất tuyệt về tất cả các câu chuyện về cuộc đời bạn. Chính vì vậy mà bạn hãy trả lời các câu hỏi một cách súc tích, ngắn gọn và đơn giản, đúng trọng tâm.

- Chú ý nói đủ ý: Nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy khó chịu nếu bạn trả lời phỏng vấn cộc lốc chỉ với một, hai từ và không cung cấp thêm thông tin gì khác. Để tránh rơi vào tình huống khó giao tiếp này, bạn hãy trả lời các câu hỏi trong khả năng của bạn bằng một cách tích cực và đầy đủ nhất, dù cho bạn không phải là người nói nhiều.

- Chú ý không trả lời sai câu hỏi phỏng vấn: Khi nhận được những câu hỏi phỏng vấn của nhà tuyển dụng, để tránh trả lời sai mất cơ hội tuyển dụng thì bạn hãy luôn chắc chắn mình nghe rõ câu hỏi và nên dành thời gian để chuẩn bị và chắt lọc thông tin chuẩn trước khi đưa ra câu trả lời.

(có 1 đánh giá)
Mai Thanh Lợi
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.174