Công ty có được giam lương vì người lao động nghỉ việc trước hạn không?

Cho chị hỏi, công ty có được giam lương vì người lao động nghỉ việc trước hạn quy định không? Người lao động nghỉ việc trước hạn thì có thể được nhận những khoản tiền gì? Câu hỏi của chị Q.M ở Sóc Trăng.

Công ty có được giam lương vì người lao động nghỉ việc trước hạn quy định không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động

1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

...”

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc trả lương như sau:

Nguyên tắc trả lương

1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

...”

Theo đó, dù nghỉ việc trước hạn thì người lao động cũng được thanh toán đầy đủ tiền lương cho những ngày đã làm việc.

Thời hạn thanh toán là 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Trong một số trường hợp đặc biệt được nêu cụ thể trên thì thời hạn này được kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Như vậy, công ty không được giam lương của người lao động quá 30 ngày vì lý do người đó nghỉ việc trước hạn hợp đồng.

Công ty có được giam lương vì người lao động nghỉ việc trước hạn không?

Công ty có được giam lương vì người lao động nghỉ việc trước hạn không? (Hình từ Internet)

Người lao động nghỉ việc trước hạn có được trả sổ bảo hiểm xã hội và giấy tờ khác không?

Tại khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 ghi nhận trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động

...

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.”

Theo đó, nếu xin nghỉ việc trước thời hạn hợp đồng dù đúng luật hay không thì công ty cũng phải có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu công ty đã giữ của người lao động.

Đồng thời, cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do công ty trả.

Như vậy, công ty có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Sau khi chốt sổ bảo hiểm xã hội, công ty có trách nhiệm phải trả lại sổ đó cùng bản chính các loại giấy tờ khác đã giữ của người lao động trong quá trình làm việc.

Người lao động nghỉ việc trước hạn được nhận những khoản tiền gì?

Nếu xin nghỉ việc trước thời hạn hợp đồng đúng luật, đảm bảo thời gian báo trước theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì người lao động sẽ có cơ hội nhận được các khoản tiền sau đây:

(1) Tiền lương chưa được thanh toán

Người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán số tiền tương ứng với số ngày bạn đã làm việc tại công ty. Trường hợp không thanh toán tiền lương, người sử dụng lao động sẽ bị phạt lên đến 50.000.000 đồng tuỳ vào số lượng người lao động căn cứ Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì số tiền phạt có thể lên đến 100.000.000 đồng.

(2) Tiền trợ cấp thôi việc

Căn cứ Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, được hướng dẫn bởi khoản 1, khoản 3 đến khoản 6 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động 2019.

(3) Tiền phép năm chưa nghỉ hết

Theo khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, được hướng dẫn bởi Điều 65, 66, 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

(4) Tiền trợ cấp thất nghiệp

Người lao động khi đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 và Điều 49 Luật Việc làm 2013 thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, người lao động phải nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm tại nơi mình muốn hưởng, theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013.

Tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ do quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động đủ điều kiện hưởng.

Mai Hoàng Trúc Linh
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.359