Học Luật được gì và mất gì?

(có 2 đánh giá)

Ngành Luật là một trong những ngành không thể thiếu trong cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh xã hội ngày càng coi trọng pháp luật và các vấn đề xã hội nảy sinh thì ngành Luật càng có cơ hội phát triển. Là một người học Luật và theo đuổi pháp luật liệu có bao giờ bạn nghĩ học ngành này bạn sẽ được gì và mất gì hay không? Với tâm thế của một sinh mới tốt nghiệp nhận bằng Cử nhân Luật tôi sẽ chia sẻ góc nhìn của bản thân về những “cái được và mất” khi theo học ngành nghề này.

Học Luật – tôi được gì

Học Luật được trang bị nhiều kỹ năng cần thiết

Học Luật là học tư duy, khả năng hoạt ngôn nhanh nhạy giải quyết các vấn đề xã hội dựa trên căn cứ pháp luật. Nhiều người cho rằng người học luật chỉ cần học thuộc lại, toàn giỏi nói: nói nhanh, nói nhiều, nói quyết liệt. Nhưng những năm theo học luật đã chỉ cho tôi thấy rằng hoạt ngôn chỉ là một thế mạnh của những người học luật hay nói cách khác đó chỉ là điều kiện đủ trong số các yếu tố để có thể học tập và thực hành nghề tốt ngoài ra để thật sự hiểu Ngành Luật là gì và học Luật như thế nào thì cần phải hội tụ thêm các yếu tố như kỹ năng lắng nghe, kỹ năng viết, kỹ năng phân tích vấn đề và tư duy logic cải tiến.

Trường Luật là nơi sẽ dạy cho bạn những kỹ năng này thông qua các buổi học, bài tập nhóm, thuyết trình hay tranh tụng giả định trên lớp. Nghề Luật mà chúng ta đang theo học là một nghề mở với rất nhiều kiến thức trong mọi lĩnh vực khác nhau mà bạn cần phải học tập và nghiên cứu. Việc thực hành nhuần nhuyễn các kỹ năng được học như là kỹ năng nghe để ghi chép, lưu lại vấn đề, kỹ năng viết để phục vụ cho các môn lý luận hay kỹ năng phân tích thuyết trình để có tư duy phản biện trước đám đông, tất cả những yếu tố này khi ra trường sẽ giúp sinh viên tự tin hơn và thể hiện mình tốt hơn trong mắt nhà tuyển dụng.

Bảo vệ được chính bản thân và những người xung quanh

Khi trở thành một Cử nhân Luật, điều chắc chắn bạn sẽ được dạy chính là kiến thức pháp luật. Qua những môn học về ngành này, bạn sẽ có cái nhìn bài bản và chính xác nhất về những điều bạn được làm hay không được làm, như thế nào thì được coi là vi phạm pháp luật, như thế nào là phạm tội ở mức độ nhẹ và nặng,…

Khi biết được chúng, bạn sẽ hiểu rõ bản thân có những quyền hạn hay nghĩa vụ gì và từ đó bạn sẽ bảo vệ được người thân và gia đình.Vì bạn đã được học luật nên bạn hiểu điều gì đúng, điều gì sai trong vụ việc và sẽ đưa ra những lời khuyên đúng đắn nhất.

Cơ hội việc làm rộng mở

Nỗi lo thất nghiệp khi ra trường quả thật là nỗi lo lớn trong cộng đồng sinh viên hiện nay tuy nhiên với ngành Luật thì điều này sẽ ít xảy ra. Học luật không chỉ bó hẹp như quan niệm mà mọi người vẫn thường nghĩ tới đó là làm Luật sư mà cơ hội việc làm của bạn là tương đối rộng mở từ việc làm trong các cơ quan nhà nước với nhiều vị trí như: Kiểm sát viên, Thấm phán, Thư ký tòa án,… Ngoài ra có thể làm được rất nhiều việc khác như pháp chế doanh nghiệp, Công chức viên, Quản tài viên, Thừa phát lại, Đấu giá viên, Giảng viên giảng dạy pháp luật, làm hành chính nhân sự - quản trị nhân lực… và rất rất nhiều việc khác cần trình độ cử nhân luật nữa.

Học Luật giúp bạn tri thức hơn, am hiểu hơn được đánh giá cao và nhiều người tôn trọng

Pháp luật tồn tại trong mọi mặt đời sống xã hội vì vậy việc hiểu biết pháp luật chưa bao giờ là dư thừa. Những người học luật sẽ biết vận dụng pháp luật vào thực tiễn đời sống sao cho phù hợp nhất và dĩ nhiên tầm nhìn của người học luật khi tiếp cận các vấn đề có khía cạnh pháp lý sẽ văn minh, hiện đại hơn và có cái nhìn đa chiều hơn.
Người học luật không phải là người thuộc hết các quy định của pháp luật tuy nhiên lại là người rất am hiểu và có những nhận định lý lẽ chặt chẽ nghiêm túc do đó trong công việc, trong xã hội được rất nhiều người tôn trọng và nể phục.

Học Luật được gì và mất gì?

Hình từ Internet

Học Luật – Phải “hy sinh” những gì?

Từ “hy sinh” ở đây chỉ là một cụm từ tượng hình để nói về vấn đề được mất của sinh viên ngành Luật. Theo quan điểm của bản thân thì tôi nghĩ điều mất mát lớn nhất mà những người học luật đánh mất đó chính là thời gian. Nếu người ta nói thời gian là vàng là bạc thì quả thật sinh viên Luật nghèo lắm. Những ngày học ngày đêm, những deadline, bài tập nhóm, bài tập cá nhân hay các buổi thảo luận thuyết trình luôn làm tốn khá nhiều thời gian của các bạn sinh viên luật. Thời gian ăn chơi ngủ nghỉ sẽ vơi bớt đi ít nhiều. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác cả nhóm bạn đều đi chơi duy nhất chỉ có mình mình ở lại phòng trọ đọc đi đọc lại mấy điều luật để chuẩn bị cho buổi thuyết trình ngày mai mà khổ nỗi đã đọc đến nối sắp thuộc lòng vẫn không hiểu được bản chất của vấn đề.

Thời gian nghiên cứu học tập để sau 04 năm nhận được tấm bằng Cử nhân Luật chưa là gì so với thời gian để học thêm các lớp nghiệp vụ, kỹ năng để trở thành Luật sư, Công chứng viên, Thừa phát lại,… Nếu như các ngành nghề khác cầm được tấm bằng Cử nhân trên tay bạn đã có thể tự tin xin vào các công ty lớn nhỏ thì riêng đặc tính của ngành Luật bạn cần phải tốn thêm kha khá thời gian để học chuyên môn và tập sự mới có thể tự tin ra nghề được và khái niệm kha khá thời gian đó là từ 02 đến 05 năm có lẽ.

Ngành Luật là một ngành nghề với thế quan rộng lớn và nhiều thách thức, có thể bắt đầu tiếp xúc bạn chưa thật sự đam mê nhưng tôi tin trong quá trình học tập và phát triển sự nghiệp ít nhiều bạn sẽ “cảm nắng” ngành mà bạn đang theo học này. Nếu đem lên bàn cân so sánh thì bản thân tôi nghĩ cái được nhiều hơn mất nên dĩ nhiên chọn học luật vẫn là sự lựa chọn sáng suốt mà tôi không bao giờ hối hận.

(có 2 đánh giá)
Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
4.169