Học viện tư pháp công bố học phí lớp đào tạo nghề Công chứng chất lượng cao áp dụng từ năm 2024?

(có 1 đánh giá)

Em là cử nhân Luật và có quan tâm đến lớp đào tạo nghề Công chứng chất lượng cao tại Học viện tư pháp. Vậy, cho em hỏi học phí lớp này năm 2024 là bao nhiêu? Lớp học trong bao lâu và trường hợp nào có thể hành nghề công chứng mà không cần tham gia lớp này? Câu hỏi của chị H (Hà Nội).

Học viện tư pháp công bố học phí lớp đào tạo nghề Công chứng chất lượng cao áp dụng từ năm 2024?

Học phí lớp đào tạo nghề Công chứng chất lượng cao áp dụng từ ngày 01/01/2024 được quy định tại Quyết định 2237/QĐ-HVTP 2023, cụ thể như sau:

- Đối với các khóa học tổ chức vào buổi tối các ngày trong tuần và thứ Bảy, Chủ nhật: 29.950.000 đồng/học viên/khoa học (Hai mươi chín triệu chín trăm năm mươi nghìn đồng chẵn).

- Đối với các khóa học tổ chức vào giờ hành chính: 23.960.000 đồng/học viên/khoá học (Hai mươi ba triệu chín trăm sáu mươi nghìn đồng chẵn).

Học viện tư pháp công bố học phí lớp đào tạo nghề Công chứng chất lượng cao áp dụng từ năm 2024?

Học viện tư pháp công bố học phí lớp đào tạo nghề Công chứng chất lượng cao áp dụng từ năm 2024? (Hình từ Internet)

Thời gian đào tạo nghề Công chứng chất lượng cao năm 2024 được quy định thế nào?

Thời gian đào tạo nghề Công chứng chất lượng cao năm 2024 được quy định tại Thông báo 295/TB-HVTP 2024, cụ thể:

Thời gian đào tạo nghề Công chứng chất lượng cao năm 2024 tại Học viện Tư pháp là 12 tháng (38 tín chỉ).

Lớp học Thứ Bảy và Chủ Nhật không kể ngày nghỉ, lễ, Tết.

Về chỉ tiêu tuyển sinh:

- Tại thành phố Hà Nội: 50 học viên;

- Tại Thành phố Hồ Chí Minh: 50 học viên.

Về hình thức tuyển sinh: Xét tuyển

Việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:

- Kinh nghiệm làm việc của người tham gia dự tuyển trong các tổ chức hành nghề công chứng,

- Trình độ chuyên môn trong lĩnh vực luật của người tham gia dự tuyển,

- Hạng tốt nghiệp bằng cử nhân ngành luật,

- Đã tốt nghiệp Chương trình đào tạo cử nhân ngành luật ở nước ngoài hoặc Chương trình đào tạo cử nhân luật chất lượng cao.

Hồ sơ dự tuyển lớp đào tạo nghề Công chứng chất lượng cao gồm những gì? Thời hạn nộp hồ sơ?

Hồ sơ dự tuyển lớp đào tạo nghề Công chứng chất lượng cao gồm các giấy tờ được nêu tại Thông báo 295/TB-HVTP, cụ thể gồm:

- Xác nhận thời gian làm việc trong các tổ chức hành nghề công chứng (nếu có).

- 02 Sơ yếu lý lịch (theo mẫu của Học viện Tư pháp) có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc phòng văn phòng công chứng (bản gốc);

- 02 Phiếu đăng ký tuyển sinh dán ảnh (theo mẫu của Học viện Tư pháp) ghi rõ địa chỉ email/số điện thoại của thí sinh (bản gốc);

- 02 bản sao công chứng hoặc chứng thực bằng cử nhân luật trở lên. Đối với bằng tốt nghiệp ở nước ngoài phải có giấy chứng nhận của Cục Quản lý chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc văn bản xác định trường hợp không phải công nhận văn bằng tương đương,

- 04 ảnh (4x6) có ghi rõ họ tên, ngày sinh ở mặt sau.

Cũng theo quy định này thì hồ sơ dự tuyển lớp đào tạo nghề Công chứng chất lượng cao được gửi thông qua một trong các hình thức sau:

- Nộp hồ sơ dự tuyển trực tiếp: giờ hành chính từ thứ Hai đến thứ Sáu (trừ ngày nghỉ Lễ, Tết);

- Hoặc gửi hồ sơ dự tuyển qua bưu điện.

- Hạn nhận hồ sơ: ngày 26/7/2024.

Trường hợp nào được miễn đào tạo nghề công chứng theo quy định?

Trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng đề cập tại Điều 10 Luật Công chứng 2014, cụ thể như sau:

Miễn đào tạo nghề công chứng

1. Những người sau đây được miễn đào tạo nghề công chứng:

a) Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;

b) Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên;

c) Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;

d) Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

2. Người được miễn đào tạo nghề công chứng quy định tại khoản 1 Điều này phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên. Thời gian bồi dưỡng nghề công chứng là 03 tháng.

Người hoàn thành khóa bồi dưỡng được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều này.

Theo quy định này thì những người sau đây được miễn đào tạo nghề công chứng:

- Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;

- Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên;

- Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;

- Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

Lưu ý: Với các đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng nói trên nếu có nhu cầu hành nghề công chứng thì cần phải gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên. Thời gian bồi dưỡng nghề công chứng là 03 tháng.

Người hoàn thành khóa bồi dưỡng được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng.

(có 1 đánh giá)
Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.170