Người có hành vi phá hoại tài sản của mình để chống đối người thi hành công vụ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

(có 1 đánh giá)

Cho tôi hỏi em trai tôi khi sáng có đạp xe đạp tập thể dục vào buổi sáng nhưng chạy vào đường cao tốc dành cho xe ô tô có bị lực lượng chức năng bắt được. Tuy nhiên em trai tôi không hợp tác và phá hoại xe của mình chống đối lại Công an giao thông. Tôi muốn hỏi em trai tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không, nó có thể bị khép vào những tội nào? (Hoàng Nhung - Đồng Nai)

Người có hành vi phá hoại tài sản của mình để chống đối người thi hành công vụ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Căn cứ Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội chống đối người thi hành công vụ như sau:

Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Theo quy định trên thì người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Như vậy đối với hành vi phá hoại tài sản (tự đập phá xe đạp) của mình nhằm chống đối người thi hành công vụ thuộc hành vi dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ thì khung hình phạt đối với em trai của anh là từ 06 tháng đến 03 năm tù.

Hành vi hủy hoại tài sản để chống người thi hành công vụ có bị xử lý hình sự không? (Hình từ intrenet)

Hành vi phá hoại tài sản trên tuyến đường giao thông thì có bị phạt tiền hay không?

Căn cứ Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội gây rối trật tự công cộng như sau:

Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Trường hợp của em trai anh là điều khiển xe đạp vào đường cao tốc (là nơi công cộng) nên việc em trai anh cố tình phá hoại tài sản của mình nhằm chống đối lực lượng Công an giao thông có thể khép vào tội gây rối trật tự công cộng.

Đối với tội gây rối trật tự công cộng thì cá nhân có thể thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Người điều khiển xe đạp đi vào đường cao tốc thì mức phạt đối với hành vi này như thế nào?

Căn cứ Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 6 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về hành vi điều khiển xe đạp vào đường cao tốc như sau:

Xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

...

4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc;

b) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;

c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

d) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

đ) Người điều khiển xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;

e) Chở người ngồi trên xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

...

Theo đó, ngoài các mức phạt đối với hành vi phá hoại tài sản thì thì việc điều khiển xe đạp đi vào đường cao tốc của em trai của anh sẽ phải chịu thêm mức phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

(có 1 đánh giá)
Thành Nhân
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.256