Những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác trong Bộ luật lao động 2019

Lao động chưa thành niên, Lao động nước ngoài hay Lao động người cao tuổi là những đối tượng được điểu chỉnh trong Bộ luật lao động. Tại Bộ luật mới đã có những điểm mới nhất định đáng chú ý sau đây

Quy định chi tiết về người lao động chưa thành niên

Tại điều 161 Luật hiện hành quy định: “NLĐ chưa thành niên là NLĐ dưới 18 tuổi.”

Tuy nhiên đến điều 143 BLLĐ 2019 đã quy định cụ thể hơn đó là tăng thêm 03 khoản về lao động chưa thành niên:

“Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc ở nơi làm việc quy định tại Điều 147 của Bộ luật này.

Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này.”

Được ký hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần với người cao tuổi

Khoản 2, 3 điều 166 Luật lao động hiện hành quy định:

“Người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, người lao động được rút ngắn thời giờ làm việc bình thường hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.”

Tuy nhiên đến BLLĐ 2019 đã có những thay đổi nhất định trong khoản 2, 3 quy định về lao động người cao tuổi như sau:

Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.”

Như vậy lợi ích của người lao động cao tuổi do người chính họ quyết định. Việc đáp ứng nhu cầu nguyện vọng được làm việc tiếp tục trong tình trạng sức khỏe của người lao động cao tuổi được xem là điểm mới đáng chú ý.

Bổ sung thời gian gia hạn giấy phép lao động của lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Tại điều 173 Luật lao động hiện hành quy định thời hạn giấy phép lao động tối đa là 02 năm.

Đến điều 155 BLLĐ 2019 đã quy định thêm trường hợp gia hạn cụ thể:
“Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm, trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm.”

Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình cho NLĐ

Điều 187 BLLĐ hiện hành quy định tuổi nghỉ hưu

“Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.”

Tại điều 169 BLLĐ 2019 đã quy định tại khoản 1, 2 cụ thể:

“Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.”

Như vậy độ tuổi nghỉ hưu của người lao động được tăng theo lộ trình lần lượt 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.426