Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ như thế nào?

Nhãn hiệu, thương hiệu là gì? Nhãn hiệu được bảo hộ khi đáp ứng các điều kiện gì? Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành? Câu hỏi của anh C.Q (Đà Nẵng).

Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu

Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu (Hình từ Internet)

Nhãn hiệu là gì? Nhãn hiệu được bảo hộ khi đáp ứng các điều kiện gì?

Nhãn hiệu được giải thích tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Một vài loại nhãn hiệu cụ thể được quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, được sửa đổi bởi điểm c khoản 1, khoản 83 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 như sau:

- Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

- Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

- Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ được quy định tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi điểm a khoản 21 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022. Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;

- Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

Thương hiệu là gì?

Thực tế, thuật ngữ “thương hiệu” chỉ được sử dụng nhiều trên báo chí, truyền thông,… còn trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thì không có quy định cụ thể khái niệm về thương hiệu.

Tuy nhiên, có thể hiểu thương hiệu là một ký tự, một cái tên, thuật ngữ hoặc bất kỳ dấu hiệu, đặc điểm nào để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của người bán này với những người bán khác, để mọi người nhận diện về công ty, sản phẩm hoặc một cá nhân nào đó.

Thương hiệu được xem là tài sản vô hình của doanh nghiệp hoặc cá nhân. Thương hiệu có vai trò rất quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp đứng vững và tồn tại trên thị trường.

Để phân loại thương hiệu, có thể chia thành 02 loại sau:

- Thương hiệu Doanh nghiệp: Có thể kể đến như Công ty Unilever; Tập đoàn Viettel; Tập đoàn Vingroup;...

- Thương hiệu sản phẩm, dịch vụ: Ví dụ như:

+ Công ty Unilever có các thương hiệu sản phẩm nổi tiếng:

++ Dầu gội Sunsilk, Clear;

++ Sữa tắm Dove;

++ Kem đánh răng P/s, Closeup,…

+ Tập đoàn VinGroup thì có hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như:

++ VinMart (hệ thống chuỗi siêu thị sạch & an toàn);

++ VinFast (thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam);...

Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành?

Tiêu chí

Nhãn hiệu

Thương hiệu

Đăng ký bảo hộ

Được pháp luật bảo hộ. Đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ và có hiệu lực tại thời điểm được cấp văn bằng bảo hộ.

Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu được quy định tại Mục 4 Chương VII Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Không được pháp luật bảo hộ. Do doanh nghiệp tự xây dựng và phát triển. Là tài sản vô hình của doanh nghiệp hoặc cá nhân.

Dấu hiệu nhận biết

Có các dấu hiệu nhận biết và nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh…

Không có dấu hiệu nhận biết cụ thể. Hình thành trong nhận thức của người tiêu dùng.

Thời hạn

Thời hạn bảo hộ là 10 năm. Chủ sở hữu có thể xin gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần là 10 năm.

Tồn tại lâu dài và không xác định được thời gian tồn tại cụ thể.

Ý nghĩa

Dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau

Dùng để xây dựng, phát triển hình ảnh của doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp đó.

Như vậy, việc phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hànhcó thể xem bảng trên.

Mai Hoàng Trúc Linh
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.319 
Việc làm mới nhất