Phòng cháy chữa cháy là gì? Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng cháy chữa cháy?

(có 1 đánh giá)

Cho tôi hỏi trách nhiệm phòng cháy chữa cháy hiện nay thuộc về những ai và những hành vi nào không được phép thực hiện trong hoạt động phòng cháy chữa cháy theo quy định? Câu hỏi của chị Trúc Quỳnh (Hà Nội).

Phòng cháy chữa cháy là gì? Trách nhiệm phòng cháy chữa cháy thuộc về ai?

Tại Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 quy định như sau:

Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cháy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường.

...

Theo đó, có thể hiểu phạm vi của phòng cháy chữa cháy là các trường hợp cháy lớn và đám cháy không thể kiểm soát được, có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường.

Như vậy, phòng cháy chữa cháy được hiểu là hoạt động nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tối đa các nguy cơ cháy nổ, nhanh chóng giải quyết để cháy không phát nổ, không đe dọa đến tính mạng của con người và thiệt hại về tài sản cũng như môi trường.

Bên cạnh đó, tại Điều 5 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 được bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013 quy định những cá nhân, tổ chức sau có trách nhiệm trong việc đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy.

Trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy

1. Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu.

3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật;

b) Ban hành theo thẩm quyền nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy;

c) Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy;

d) Bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, sử dụng kinh phí phòng cháy và chữa cháy đúng mục đích; trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả do cháy gây ra;

đ) Thực hiện nhiệm vụ khác về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

3a. Chủ hộ gia đình có trách nhiệm:

a) Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;

b) Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ;

c) Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.

3b. Cá nhân có trách nhiệm:

a) Chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;

b) Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng;

c) Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy;

d) Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy;

đ) Thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân trong Luật này.

4. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy.

Như vậy có thể hiểu, trách nhiệm phòng cháy chữa trách là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cụ thể như tại quy định trên.

Phòng cháy chữa cháy là gì? Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng cháy chữa cháy?

Phòng cháy chữa cháy là gì? Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng cháy chữa cháy? (Hình từ Internet)

Việc phòng cháy chữa cháy phải đảm bảo các nguyên tắc nào?

Tại Điều 4 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 quy định việc phòng cháy chữa cháy phải đảm bảo 04 nguyên tắc sau:

Thứ nhất, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

Thứ hai, trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.

Thứ ba, phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.

Thứ tư, mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng cháy chữa cháy?

Tại Điều 13 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013 quy định các hành vi sau đây là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng cháy chữa cháy:

- Cố ý gây cháy, nổ làm tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

- Cản trở các hoạt động phòng cháy và chữa cháy; chống người thi hành nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy.

- Lợi dụng phòng cháy và chữa cháy để xâm hại tính mạng, sức khỏe con người; xâm phạm tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân.

- Báo cháy giả.

+ Không báo cháy khi có điều kiện báo cháy; trì hoãn việc báo cháy.

- Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ.

+ Mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người.

- Thi công công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại mà chưa có thiết kế được duyệt về phòng cháy và chữa cháy; nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

- Chiếm đoạt, hủy hoại, làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển, che khuất phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, biển báo, biển chỉ dẫn; cản trở lối thoát nạn.

- Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

(có 1 đánh giá)
Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.281