Sử dụng công trình chưa qua nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy bị xử phạt ra sao theo quy định?

(có 1 đánh giá)

Tôi có thắc mắc là trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng công trình mà chưa qua nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy bị xử phạt ra sao theo quy định? Có thể bị phạt tù hay không? Câu hỏi của anh Quyền đến từ Bạc Liêu.

Nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy bao gồm những hoạt động nào?

Tại Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy

1. Dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phải được chủ đầu tư, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy. Chủ đầu tư, chủ phương tiện phải đề nghị cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt trước đó đến kiểm tra kết quả nghiệm thu nêu trên và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng.

Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy bao gồm nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục, từng hệ thống và nghiệm thu bàn giao; riêng đối với các bộ phận của công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy khi thi công bị che khuất thì phải được nghiệm thu trước khi tiến hành các công việc tiếp theo. Chủ đầu tư quyết định việc nghiệm thu từng phần công trình trong trường hợp khu vực được nghiệm thu đủ điều kiện vận hành độc lập, bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy và phải được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra kết quả nghiệm thu và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trước khi đưa phần công trình đó vào sử dụng.

...

Chiếu theo quy định này thì nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy bao gồm những hoạt động sau:

- Nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục, từng hệ thống và nghiệm thu bàn giao.

- Riêng đối với các bộ phận của công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy khi thi công bị che khuất thì phải được nghiệm thu trước khi tiến hành các công việc tiếp theo.

Quy định này cũng nêu chủ đầu tư sẽ quyết định việc nghiệm thu từng phần công trình trong trường hợp khu vực được nghiệm thu đủ điều kiện vận hành độc lập, bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

Đồng thời phải được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra kết quả nghiệm thu và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trước khi đưa phần công trình đó vào sử dụng.

Sử dụng công trình chưa qua nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy bị xử phạt ra sao theo quy định?

Sử dụng công trình chưa qua nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy bị xử phạt ra sao theo quy định? (Hình từ Internet)

Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy của chủ đầu tư theo những nội dung gì?

Tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy của chủ đầu tư theo những nội dung sau:

- Kiểm tra nội dung và tính pháp lý của hồ sơ nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP do chủ đầu tư, chủ phương tiện giao thông cơ giới chuẩn bị;

- Kiểm tra sự phù hợp giữa kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư, chủ phương tiện đối với thiết kế đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt trước đó;

- Tổ chức kiểm tra, thử nghiệm xác suất hoạt động thực tế của các phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy và hệ thống liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của công trình, phương tiện giao thông cơ giới để đối chiếu với kết quả thử nghiệm của chủ đầu tư, chủ phương tiện. Việc kiểm tra phải được lập thành biên bản.

Sử dụng công trình chưa qua nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy bị xử phạt ra sao?

Tại khoản 5 và khoản 6 Điều 38 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng

...

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này;

b) Buộc thực hiện nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này;

c) Buộc thực hiện việc thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này;

d) Buộc nộp lại giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản thẩm duyệt, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Chiếu theo quy định này, trường hợp sử công trình chưa qua nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Cá nhân, tổ chức vi phạm quy định này còn buộc hiện việc thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân sử dụng công trình chưa qua nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, với tổ chức mức xử lý hành chính sẽ nhân hai cho cùng hành vi (theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Ngoài ra, nếu vi phạm phòng cháy chữa cháy đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người phạm tội có thể bị truy cứu với tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy với mức phạt tù cao nhất là 12 năm (theo khoản 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015).

 

 

(có 1 đánh giá)
Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.336