Quy định về giải quyết tranh chấp lao động trong BLLĐ 2019

Tiếp tục sửa đổi bổ sung các quy định so với luật hiện thì BLLĐ 2019 có hiệu lực sắp tới đã có những điểm mới nhất định về vấn đề giải quyết tranh chấp lao động.

Đình công và giải quyết đình công

Điều 209 Bộ luật lao động hiện hành quy định về đình công cụ thể:

“Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

Việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và sau thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 206 của Bộ luật này.”

Trong mục đình công của Bộ luật lao động 2019 đã bổ sung thêm 1 điều luật quy định về các trường hợp người lao động có quyền đình công tại điều 199. Đây là điểm mới bổ sung đáng chú ý

Bộ luật lao động 2019 quy định người lao động có quyền đình công trong các trường hợp sau đây:

“Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;

Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.”

Thủ tục lấy ý kiến tập thể lao động

Tại khoản 2 điều 212 luật hiện hành quy định việc tổ chức lấy ý kiến có thể thực hiện bằng phiếu hoặc chữ ký.

Theo quy định mới tại khoản 3 điều 201 thì:

“Việc lấy ý kiến được thực hiện trực tiếp bằng hình thức lấy phiếu hoặc chữ ký hoặc hình thức khác.”

Như vậy luật mới đã tăng thêm 1 trường hợp việc lấy kiến đó là hình thức khác.

Cũng tại khoản 4 điều 212 Bộ luật lao động hiện hành quy định:

“Thời gian, hình thức lấy ý kiến để đình công do Ban chấp hành công đoàn quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày.”

Đến khoản 4 điều 201 luật mới đã quy định thêm về thời gian và hình thức lấy ý kiến đình công để bổ sung, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng lao động cụ thể như sau:
“Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành lấy ý kiến về đình công do tổ chức đại diện người lao động quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày. Việc lấy ý kiến không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công.”

Giảm đối tượng cần  thông báo về việc quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc

Theo luật hiện hành quy định: Ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc, NSDLĐ phải niêm yết công khai quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc tại nơi làm việc và thông báo cho 05  cơ quan, tổ chức sau đây:

“Ban chấp hành công đoàn tổ chức, lãnh đạo đình công;

Công đoàn cấp tỉnh;

Tổ chức đại diện NSDLĐ;

Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đóng trụ sở.”

Tuy nhiên theo Bộ luật mới quy định tại điều 205 thì việc thông báo trên chỉ cần gửi đến 03 cơ quan tổ chức nhất định là những cơ quan sau:

“Tổ chức đại diện NLĐ đang tổ chức và lãnh đạo đình công;

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nơi làm việc dự kiến đóng cửa;

Ủy ban nhân dân cấp huyện có nơi làm việc dự kiến đóng cửa.”

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.479