Tái chế bao cao su đã qua sử dụng bị xử lý như thế nào?

Vừa qua trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các lực lượng chức năng vừa phát hiện hành vi thu gom các bao cao su đã qua sử dụng, rửa sạch và tái chế lại. Sự việc gây sự bức xúc và hoang mang dư luận. Vậy, pháp luật có thể xử lý hành vi này như thế nào?

Bao cao su là loại hàng hóa được khuyến cáo là sử dụng một lần và không nên tái sử dụng. Công dụng chính của bao cao su là tránh thai và ngăn ngừa các bệnh lây lan qua đường tình dục. Việc tái sử dụng các bao cao su bằng cách rửa sạch, phơi khô và đóng gói là vi phạm các tiêu chuẩn về sử dụng, lưu hành bao cao su. Người thực hiện hành vi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với các tội danh nêu sau:

1. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Như thông tin đã đưa, hơn 360 nghìn chiếc bao cao su đã qua sử dụng đã và đang được tái chế bị bắt quả tang. Bằng chiêu trò và thủ thuật của mình, những đối tượng này tái chế, đóng gói và đưa sử dụng trở lại.

Nếu những người này bán những chiếc bao cao su cho người tiêu dùng, với tổng số tiền trên 02 triệu đồng thì đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của BLHS, phải có 02 điều kiện bắt buộc.

Một là, người thực hiện hành vi phải có thủ đoạn gian dối. Cụ thể hành vi tái chế, tái đóng gói giống như những chiếc bao cao su mới để đánh lừa người tiêu dùng đã đáp ứng được điều kiện đầu tiên là có thủ đoạn gian dối. Bởi lẽ, người tiêu dùng khi biết được chiếc bao cao su đó đã qua sử dụng thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ không mua. Hai là, phải có hành vi chiếm đoạt tài sản từ 02 triệu đồng. Như đã trình bày ở trên, nếu các giao dịch mà giá trị thu lại từ 02 triệu đồng trở lên thì hành vi đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc có đủ các yếu tố cấu thành hay không thì các lực lượng chức năng sẽ xem xét tiếp về các yếu tố chủ thể, chủ quan, khách thể và khách quan.

Với tội danh này, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, tùy vào giá trị hàng hóa đã sản xuất, buôn bán thì người thực hiện hành vi có thể bị phạt tù lên đến 15 năm theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Hàng tạ bao cao su được tái chế tại Bình Dương | NLNL

Hình ảnh ghi nhận tại hiện trường

2. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP định nghĩa chỉ tiết như thế nào là hàng giả. Cụ thể tại Điểm a Khoản 7 có quy định:

“Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;”

Như đã nêu, công dụng chính của bao cao su chính là tránh thai và ngăn ngừa các bệnh lây lan qua đường tình dục. Việc tái chế bằng cách rửa, phơi không không được sự đảm bảo về mặt an toàn, không tuân theo tiêu chuẩn y tế về sự an toàn dẫn đến rủi ro có thể bị lây lan các bệnh qua đường tình dục. Chính vì vậy, chưa cần xét đến các yếu tố về bao bì ,nhãn hiệu… của những chiếc bao cao su này thì cũng đã có đủ yếu tố kết luận đó là hàng giả theo quy định của pháp luật.

Với tội danh này, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, tùy vào giá trị hàng hóa đã sản xuất, buôn bán thì người thực hiện hành vi có thể bị phạt tù lên đến 15 năm theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.719