Tất cả những quy định về thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật hiện hành

Phần tiếp theo của bài viết này sẽ đi sâu hơn về thời hiệu khởi kiện trong các tranh chấp thương mại, vụ án hành chính và tranh chấp đất đai.

Thời hiệu khởi kiện đối với các vụ án kinh doanh thương mại

Thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án kinh doanh thương mại bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tranh chấp trong các vụ án thương mại thường phát sinh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi lĩnh vực đều có văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh.Ví dụ: hợp đồng xây dựng chịu sự điều chỉnh của Luật Xây dựng, hợp đồng bảo hiểm chịu sự điều chỉnh của Luật Bảo hiểm, hợp đồng tín dụng chịu sự điều chỉnh của pháp luật về tài chính, ngân hàng,…

Thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp này cũng được các văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh. Nếu không được văn bản luật chuyên ngành điều chỉnh thì sẽ áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định tại điều 319 Luật Thương mại 2015 cụ thể như sau:

Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 của Luật này.

Một số thời hiệu khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại cụ thể do văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh:

Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 03 năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp (Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000);

Thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa hàng hóa vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là 01 năm, kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng (Điều 97 Bộ luật hàng hải năm 2005);

Thời hiệu khởi kiện đối với vụ việc liên quan đến hợp đồng thuê tàu là 02 năm, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng (Điều 142 Bộ luật hàng hải năm 2005);

Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng đại lý tàu biển là 02 năm, kể từ ngày phát sinh tranh chấp (Điều 162 Bộ luật hàng hải năm 2005);

Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng cứu hộ hàng hải là 02 năm, kể từ ngày két thúc hành động cứu hộ (Điều 195 Bộ luật hàng hải năm 2005); …

Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính

Khoản 2,3 điều 104 Luật Tố tụng Hành chính 2010 quy định rõ về thời hiệu khởi kiện trong các vụ án hành chính cụ thể như sau:

2. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:

a) 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

b) 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

c) Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

3. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Như vậy cách tính thời hiệu khởi kiện các vụ án hành chính được luật Tố tụng hành chính quy định tương đối rõ ràng và cụ thể theo từng điểm trong khoản 2 của Luật này.

Theo quy định của BLDS năm 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.Suy ra các trường hợp bất khả kháng và trở ngại khả quan không tính vào thời hiệu khởi kiện là các sự kiện sau:

Thiên tai, địch hoạ, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc do lỗi của cơ quan nhà nước làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu khởi kiện;

Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết.

Thời hiệu khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai

Khoản 3 điều 150 Bộ luật dân sự 2015 quy định

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Nhưng bên cạnh đó tại điều 155 Bộ luật dân sự 2015 lại có quy định về các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong đó có trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.

Có nghĩa là các trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện để giải quyết tranh chấp. Chỉ cần yêu cầu giải quyết hợp pháp, hợp lệ thì Tòa án sẽ giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật và thời hiệu khởi kiện không bị giới hạn bởi một mốc thời gian cố định nào.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.598