Trình độ học vấn được hiểu như thế nào? Trình độ học vấn có phải là trình độ chuyên môn hay không?

(có 1 đánh giá)

Sắp tới tôi có dự định nộp hồ sơ xin việc tại một công ty và được yêu cầu kê khai thông tin vào sơ yếu lý lịch, trong đó có một số mục tôi thắc mắc không biết phải điền thế nào, cụ thể là mục "trình độ học vấn" và "trình độ chuyên môn". Vậy cho tôi hỏi hai mục này khác gì nhau và với một số thông tin như "quê quán", "nơi thường trú", "nơi tạm trú" thì điền thế nào? câu hỏi của chị Mi (Hà Nội)

Trình độ học vấn được hiểu như thế nào? Trình độ học vấn có phải là trình độ chuyên môn hay không?

Hiện nay pháp luật chưa có bất kỳ định nghĩa nào về trình độ học vấn, tuy nhiên có thể hiểu trình độ học vấn thể hiện về mức độ học vấn của một người và được chia thành các cấp bậc từ nhỏ đến lớn như sau: cấp tiểu học, cấp trung học, cấp đại học… Mỗi cấp bậc như vậy thì sẽ được gọi là trình độ học vấn.

Cụ thể theo hệ thống giáo dục tại Việt Nam hiện nay, cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân được quy định tại Điều 6 Luật Giáo dục năm 2019 như sau:

Hệ thống giáo dục quốc dân

1. Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

2. Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;

b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;

c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;

d) Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; quy định thời gian đào tạo, tiêu chuẩn cho từng trình độ đào tạo, khối lượng học tập tối thiểu đối với trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định ngưỡng đầu vào trình độ cao đẳng, trình độ đại học thuộc ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.”

Chiếu theo quy định này thì trình độ học vấn cũng được xắp xếp theo lộ trình như sau:

- Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;

- Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;

- Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;

- Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

Trong khi đó, trình độ chuyên môn được hiểu là khả năng am hiểu của một người về một ngành nghề hay một lĩnh vực cụ thể nào đó. Trình độ chuyên môn được thể hiện qua những cấp bậc nhất định như: Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng, Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ,…

Như vậy có thể hiểu trình độ học vấn và trình độ chuyên môn là hai khái niệm khác nhau.

Trình độ học vấn được hiểu như thế nào? Trình độ học vấn có phải là trình độ chuyên môn hay không?

Trình độ học vấn được hiểu như thế nào? Trình độ học vấn có phải là trình độ chuyên môn hay không? (Hình từ Internet)

Khi ghi hai mục trình độ học vấn và trình độ chuyên môn trong sơ yếu lý lịch cần lưu ý gì?

Như đã phân tích ở trên, trình độ học vấn và trình độ chuyên môn là hai khái niệm khác nhau, do đó khi kê khai các loại giấy tờ người khai cần lưu ý:

(1) Với trình độ học vấn:

- Ghi 10/10 đối với người tốt nghiệp lớp 10 hệ 10 năm.

- Ghi 12/12 đối với người tốt nghiệp lớp 12 hệ 12 năm.

Đối với trình độ chuyên môn người ghi cần phải lưu ý là trình độ chuyên môn dùng là khả năng, năng lực về một chuyên ngành, lĩnh vực nào đó đã được đào tạo.

(2) Với trình độ chuyên môn:

+ Trình độ chuyên môn được chia thành nhiều cấp bậc như: Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, Kỹ sư, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp…

+ Cách ghi trình độ chuyên môn trong Sơ yếu lý lịch hay hồ Sơ xin việc là trình độ chuyên môn cao nhất tại thời điểm bạn khai và chuyên ngành đào tạo.

Một số thuật ngữ xuất hiện trong sơ yếu lý lịch cần lưu ý?

Ngoài thông tin về trình độ học vấn và trình độ chuyên môn thì một số cụm từ như như “quê quán”, “nơi tạm trú”, “thường trú”, “cư trú” cũng là những thông tin mà ghi tờ khai có thể hay bị nhẫm lẫn.

Theo đó, khi kê khai thông tin các mục này, người khai cần lưu ý:

- Về nơi tạm trú, cư trú, thường trú:

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Cư trú 2014 quy định về giải thích từ ngữ, theo đó các thuật ngữ tạm trú, cư trú, thường trú được hiểu như sau:

+ Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã).

+ Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

+ Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú.

- Về quê quán:

Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 4Luật Hộ tịch 2014 quy định quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Để điền vào mục quê quán chính xác nhất trong sơ yếu lý lịch bạn có thể sử dụng thông tin về quê quán trong giấy khai sinh để sử dụng.

 

(có 1 đánh giá)
Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.105