Tường sập đè tử vong nữ sinh lớp 6 và trách nhiệm dân sự phát sinh trong trường hợp này

Ngày 22/11 vừa qua một em học sinh lớp 6 tại huyện Đông Hưng, Thái Bình đã bị bức tường của một hộ dân kinh doanh vật liệu xây dựng sập đổ đè chết. Từ sự việc đau lòng trên vậy trách nhiệm dân sự phát sinh trong trường hợp này là gì và ai là người chịu trách nhiệm đối với cái chết của em học sinh xấu số?

Tóm tắt vụ việc

Chiều ngày 22/11 là ngày chủ nhật Huyền (nạn nhân) được nghỉ học nên tự đi sửa xe đạp.

“Đến khoảng hơn 3 giờ chiều, tôi đang ở trong nhà thì thấy hàng xóm láng giềng hô hoán là tường sập đè lên con mình. Tôi hoảng hốt chạy ra cùng mọi người bế cháu ra khỏi đống gạch, đá sau đó đưa cháu đi viện cấp cứu. Đi được nửa đường thì cháu bất tỉnh hoàn toàn, chưa kịp đưa được cháu đến bệnh viện thì phải quay về”, anh Châu nghẹn ngào nói.

Theo người thân, gia đình nạn nhân, sau khi sự việc xảy ra, lực lượng Công an xã Phong Châu đã ngay lập tức xuống bảo vệ hiện trường, đồng thời, báo cáo lên Công an H.Đông Hưng.

Gia đình nạn nhân và hàng xóm cho biết trước đây gia đình ông Nguyễn Văn Tỵ (55 tuổi, chủ bãi vật liệu có bức tường bao bị đổ) cũng là hàng xóm liền kề với họ tại thôn Khuốc Đông.

Sau này, gia đình ông Tỵ chuyển ra sinh sống ở ngôi nhà nằm trên mảnh đất khác cách đó không xa và trưng dụng nền nhà, sân nhà cũ làm nơi chứa vật liệu xây dựng để bán cho người dân, lấy tên là Cửa hàng VLXD Hoà Tỵ.

Đáng nói, bức tường bao quanh nhà ông Tỵ dài khoảng 20 m, cao xấp xỉ 2 m, uốn hình chữ L, đã từng đổ trước đó nay được chắp vá lại.

Theo ghi nhận, bức tường bao này có nền cũ xây bằng gạch đỏ, bên trên xây bằng gạch ba banh (tất cả xây tường 10 cm) và có dấu hiệu của nhiều lần chắp vá, sửa chữa; phía bên trong chứa cát vàng, đá dăm chủ nhân để áp sát tường, cao lưng chừng tường với khối lượng lớn.

Một người dân sống sát bãi vật liệu bức xúc: “Hai lần trước tường đã đổ sập rồi chứ có phải lần đầu tiên đâu! May mắn là những lần trước đó lúc sập đều không có người nên không có thương vong. Đến lần thứ 3, tức là hôm qua, tường đổ đã đè chết cháu Huyền. Chúng tôi thấy rất bất bình và lo sợ. Con cháu chúng tôi còn nhỏ, ngay ngõ này có đến chục cháu hay vui chơi, nô đùa. Nhà ông Tỵ chuyển ra sống ở chỗ khác để nhà cũ này làm bãi vật liệu thì phải đảm bảo an toàn, bây giờ sự việc xảy đến thế này lại nói là không may!”.

Trách nhiệm dân sự phát sinh trong sự việc

Cho đến ngày nay đã có không ít sự việc, thiệt hại về người và của do nhà cửa hay công trình khác gây ra. Vậy nên pháp luật dân sự cũng đã quy định chế định có ý nghĩa để đảm bảo quyền lợi đời sống nhân dân. Đây gọi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Tại điều 605 BLDS 2015 quy định như sau:

Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

Căn cứ theo theo quy định này thì cần phải lưu ý những vấn đề sau để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Điều 605 quy định 05 chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra gồm có:

Chủ sở hữu

Người chiếm hữu

Người được giao quản lý nhà cửa công trình xây dựng

Người sử dụng nhà cửa công trình xây dựng

Người thi công

Vậy nên trong sự việc xảy ra ở huyện Đông Hưng phải xác định rõ ai là người sở hữu cũng như quản lý sử dụng bãi vật liệu có bức tường bao bị đổ làm chết người thì đó chính là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần có 3 điều kiện:

Có thiệt hại xảy ra.

Có sự tự tác động của nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại hoặc hành vi trái pháp luật của người thi công dẫn đến nhà cửa, công trình gây thiệt hại.

Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại với sự tự thân tác động của nhà cửa, công trình xây dựng  mà không cần chứng minh lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng;/ Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại với hành vi trái pháp luật của người thi công

Đối với sự việc đau lòng trên thì việc bức tường bao bị sập đổ theo lời của người dân địa phương thì đây không phải là lần đầu tiên nên việc thiệt hại xảy ra và có sự tác động mối quan hệ nhân quả sẽ được cơ quan điều tra tiến hành lập hồ sơ xem xét ai là người chịu trách nhiệm.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.423 
Việc làm mới nhất