03 hành vi vi phạm thường gặp dịp Tết Nguyên đán

(có 1 đánh giá)

Những điều cần chú ý để vui chơi lành mạnh và không vi phạm pháp luật vào dịp Tết Nguyên đán (Thùy Trang - Bạc Liêu)

Không khí Tết cổ truyền dân tộc đang đến gần hơn bao giờ hết, khắp mọi nẻo đường đều tràn ngập hình ảnh các gia đình chuẩn bị đón Tết đến. Khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mang ý nghĩa tinh thần lớn lao đối với mỗi người dân Việt Nam, là khoảng thời gian mọi người có thể thư giãn, vui chơi, quây quần bên gia đình sau một năm học tập, làm việc mệt mỏi. Vì vậy “vui chơi Tết đúng luật” là điều mỗi người cần nhớ để có thể hưởng một cái Tết trọn vẹn, không vướng phải những hành vi vi phạm được quy định và chịu những chế tài pháp lý vì lơ là, chủ quan mà vi phạm quy định pháp luật.

Quy định về nồng độ cồn

Đối với những người trưởng thành thì rượu, bia là phần khó có thể thiếu trong mỗi cuộc vui, giúp mọi người dễ dàng mở lòng hơn với nhau. Tuy nhiên đây cũng là một nguyên nhân lớn dẫn đến nhiều vụ việc tai nạn giao thông thương tâm xảy ra. Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt cao hơn rất nhiều đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định. Cao nhất lên đến 40 triệu đồng với người điều khiển ô tô và còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. Chính vì vậy để tránh bị xử phạt về tiền, bị ảnh hưởng đến công việc khi bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe thì người dân cần tuân thủ “đã uống rượu, bia là không lái xe”.

03 hành vi vi phạm thường mắc phải trong dịp Tết nguyên đán (Hình từ internet)

Hành vi đánh bài dịp Tết cổ truyền

Đánh bài là một trò chơi có từ khá lâu đời, về tính chất đánh bài vẫn rất lành mạnh khi chơi vui vẻ với nhau, hoặc đề ra những hình phạt thú vị cho người thua để mọi người có thể gắn kết với nhau hơn. Tuy nhiên nếu biến tướng thành những hình thức ăn thua bằng tiền hoặc vật chất khác mà pháp luật nghiêm cấm thì là vi phạm pháp luật. Cụ thể tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng nếu đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật. Còn trường hợp đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt từ cao nhất lên đến 7 năm tù. Vì vậy người dân cần tuân thủ quy định để không bị truy cứu trách nhiệm với hành vi của mình, bên cạnh đó có thể gây mất tình cảm khi quá hăng say, sát phạt nhau trong cờ bạc.

Những thông tin cơ bản về việc sử dụng pháo dịp Tết

Từ đầu năm 2021, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực thi hành, trong đó cho phép người dân được sử dụng pháo hoa. Tuy nhiên cần lưu ý pháp luật vẫn nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ, do đó loại pháo hoa mà người dân được phép sử dụng là: Sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định. Vì vậy người dân không được mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ nếu không sẽ bị xử phạt hành chính hoặc mức độ nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tóm lại, để hưởng trọn niềm vui, không khí nhộn nhịp của Tết cổ truyền dân tộc thì hãy nhớ rằng “Vui chơi Tết đúng luật”.

(có 1 đánh giá)
Đăng Khoa
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.318