Bồi thẩm đoàn là gì? Tại Việt Nam có Bồi thẩm đoàn không?

(có 2 đánh giá)

Bồi thẩm đoàn là gì? Tại Việt Nam có Bồi thẩm đoàn không? Trách nhiệm của Bồi thẩm đoàn là gì? Trong nhiều nước trên thế giới, bồi thẩm đoàn được xem như một phần không thể thiếu của quy trình xét xử, giúp đảm bảo tính minh bạch và công bằng.

Bồi thẩm đoàn là gì? Tại Việt Nam có Bồi thẩm đoàn không?

Bồi thẩm đoàn là một nhóm công dân được chọn ngẫu nhiên để tham gia vào quá trình xét xử trong hệ thống tư pháp. Họ có nhiệm vụ lắng nghe bằng chứng, đánh giá các lập luận của hai bên và đưa ra phán quyết về vụ án.

Bồi thẩm đoàn thường có ở các nước phương Tây. Ở một số quốc gia phương Tây như Anh, Mỹ thì khi xét xử một vụ án hình sự lớn phải có sự tham gia của bồi thẩm đoàn, là người dân thường. Quy định này nhằm ngăn ngừa các trường hợp Tòa án độc đoán chuyên quyền, đưa ra những phán quyết sai lầm

Tại Việt Nam, không có hệ thống bồi thẩm đoàn. Thay vào đó, việc xét xử các vụ án được thực hiện bởi một hội đồng gồm thẩm phán và hội thẩm nhân dân.

Hội thẩm nhân dân là đại diện cho nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án, góp phần bảo đảm việc xét xử đúng đường lối, chính sách và pháp luật, nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Trách nhiệm của Bồi thẩm đoàn là gì?

Bồi thẩm đoàn đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tư pháp của nhiều quốc gia, đặc biệt là trong các vụ án hình sự. Bồi thẩm đoàn có trách nhiệm: 

- Bảo vệ quyền công dân: Họ giúp bảo vệ công dân khỏi sự lạm quyền của chính phủ trong hệ thống tư pháp.

- Đảm bảo công bằng: Bồi thẩm đoàn góp phần đảm bảo quá trình xét xử công bằng và khách quan. 

- Xác định sự thật: Bồi thẩm đoàn lắng nghe bằng chứng và lời khai được trình bày trong phiên tòa. 

- Đánh giá độ tin cậy: Họ đánh giá độ đáng tin cậy của các nhân chứng và bằng chứng.

- Đưa ra phán quyết: Dựa trên bằng chứng và hướng dẫn pháp lý, bồi thẩm đoàn quyết định bị cáo có tội hay vô tội. Tuy nhiên, hình phạt thực tế thì do Thẩm phán quyết định.

- Đại diện cộng đồng: Bồi thẩm đoàn đại diện cho quan điểm và giá trị của cộng đồng trong quá trình xét xử. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Bồi thẩm đoàn là gì? Tại Việt Nam có Bồi thẩm đoàn không?

Bồi thẩm đoàn là gì? Tại Việt Nam có Bồi thẩm đoàn không? (Hình từ Internet)

Hội thẩm nhân dân có trách nhiệm gì?

Căn cứ Điều 89 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định hội thẩm nhân dân có trách nhiệm sau:

- Trung thành với Tổ quốc, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

- Tham gia xét xử theo sự phân công của Chánh án Tòa án mà không được từ chối, trừ trường hợp có lý do chính đáng hoặc do luật tố tụng quy định.

- Độc lập, vô tư, khách quan trong xét xử, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

- Tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

- Giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật.

- Tích cực học tập để nâng cao kiến thức pháp luật và nghiệp vụ xét xử.

- Chấp hành nội quy, quy chế của Tòa án.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Hội thẩm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà gây thiệt hại thì Tòa án nơi Hội thẩm đó thực hiện nhiệm vụ xét xử phải có trách nhiệm bồi thường và Hội thẩm đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho Tòa án theo quy định của pháp luật.

(có 2 đánh giá)
Nguyễn Thị Thanh Xuân
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.026 
Việc làm mới nhất