Hợp đồng thực tập giữa công ty với thực tập sinh được xem là hợp đồng lao động khi nào?

(có 2 đánh giá)

Cho em hỏi, khi nào hợp đồng thực tập giữa công ty với thực tập sinh được xem là hợp đồng lao động? Em đi thực tập tại một công ty thì có cần phải ký kết hợp đồng thực tập không? Mong nhận được giải đáp. Câu hỏi của bạn K.A tại Bình Dương.

Khi nào hợp đồng thực tập giữa công ty với thực tập sinh được xem là hợp đồng lao động?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hợp đồng lao động như sau:

Hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

...”

Theo quy định trên, hợp đồng thực tập giữa công ty với thực tập sinh được xem là hợp đồng lao động khi có sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Hợp đồng thực tập giữa công ty với thực tập sinh được xem là hợp đồng lao động khi nào?

Hợp đồng thực tập giữa công ty với thực tập sinh được xem là hợp đồng lao động khi nào? (Hình từ Internet)

Thực tập sinh có cần phải ký kết hợp đồng thực tập không? Công ty có bắt buộc phải trả lương cho thực tập sinh không?

Hiện nay trong Bộ luật Lao động 2019 không có quy định về việc ký hợp đồng và mức lương đối với người đi thực tập.

Căn cứ theo Điều 93 Luật Giáo dục 2019 quy định như sau:

Trách nhiệm của xã hội

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sau đây:

a) Hỗ trợ, hợp tác với nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho nhà giáo và người học tham quan, hoạt động trải nghiệm, thực tập, nghiên cứu khoa học;

b) Tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, ngăn chặn hoạt động có ảnh hưởng xấu đến người học;

c) Tạo điều kiện để công dân trong độ tuổi quy định thực hiện nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục, hoàn thành giáo dục bắt buộc để người học được vui chơi, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh;

d) Hỗ trợ các nguồn lực cho phát triển sự nghiệp giáo dục theo khả năng của mình.

...”

Theo đó việc các công ty tiếp nhận sinh viên vào thực tập là một hình thức hỗ trợ các sinh viên thực hành các kiến thức đã được học từ trường và có thể sẽ trở thành nguồn nhân sự tương lai cho công ty.

Do đó công ty không có nghĩa vụ phải trả lương cho thực tập sinh mà chỉ có trách nhiệm tiếp nhận và tạo điều kiện để người học nâng cao chất lượng đào tạo.

Như các phân tích ở trên, đối với doanh nghiệp việc tiếp nhận thực tập sinh mang tính chất “trách nhiệm” và “tạo điều kiện” nên pháp luật hiện nay không có bất kỳ ràng buộc việc phải ký hợp đồng thực tập và trả lương cho thực tập sinh.

Có quy định nào về quyền lợi cho thực tập sinh hay không?

Theo Điều 12 Luật Giáo dục đại học 2012, được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 như sau:

Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học

1. Phát triển giáo dục đại học để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

2. Phân bổ ngân sách và nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác.

6. Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ; có chính sách ưu đãi về thuế cho các sản phẩm khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận, tạo điều kiện để người học và giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

7. Thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng giảng viên; chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giáo sư đầu ngành trong cơ sở giáo dục đại học.

8. Ưu tiên đối với người được hưởng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người học ngành đặc thù đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục đại học.

9. Khuyến khích, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.”

Như vậy, Nhà nước có những chính sách về phát triển giáo dục đại học nhằm liên kết, khuyến khích các công ty tiếp nhận tạo điều kiện để người học thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

(có 2 đánh giá)
Mai Hoàng Trúc Linh
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.665