Hướng dẫn về hợp đồng với một số công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập?

(có 1 đánh giá)

Cho hỏi: Việc áp dụng Nghị định 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập được hướng dẫn như thế nào tại Hà Nội? Câu hỏi của chị H.T.L (Hà Nội).

Hướng dẫn về hợp đồng về thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập?

Hợp đồng về thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tại Hà Nội được hướng dẫn tại Mục I Công văn 2185/UBND-NC năm 2023, cụ thể như sau:

(1) Các công việc hỗ trợ, phục vụ thực hiện hợp đồng

Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được ký kết hợp đồng để thực hiện các công việc hỗ trợ, phục vụ sau:

- Lái xe, bảo vệ.

- Lễ tân, phục vụ; tạp vụ; trông giữ phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

- Công việc hỗ trợ, phục vụ khác thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập không được xác định là công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.

(2) Loại hợp đồng được sử dụng

Hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng lao động, trong đó, ưu tiên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định 111/2022/NĐ-CP.

Trường hợp không có đơn vị cung cấp dịch vụ đáp ứng được yêu cầu (không có hoặc không bảo đảm theo yêu cầu hoặc không thỏa thuận được nội dung) thì cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập ký kết hợp đồng lao động với cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 111 để thực hiện công việc trên.

(3) Số lượng lao động hợp đồng, thẩm quyền ký kết hợp đồng

- Về số lượng lao động hợp đồng

+ Đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 31), đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4):

++ Số lượng lao động hợp đồng hỗ trợ, phục vụ được xác định tại Đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 21/3/2023 của UBND Thành phố).

++ Trường hợp chưa có đề án vị trí việc làm nêu trên thì số lượng lao động hợp đồng hỗ trợ, phục vụ sẽ do UBND Thành phố tạm giao, làm căn cứ bố trí kinh phí theo quy định.

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2):

+ Số lượng lao động hợp đồng do đơn vị tự quyết định căn cứ vào nhu cầu sử dụng nhân lực, khả năng chi trả của đơn vị và Đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Trường hợp đơn vị chưa có đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc có khó khăn vướng mắc, giao Sở Nội vụ có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với từng trường hợp.

(4) Về thẩm quyền ký kết hợp đồng

- Đối với cơ quan hành chính:

+ Giám đốc sở và tương đương, chi cục trưởng và tương đương, chủ tịch UBND cấp huyện là người có thẩm quyền ký hợp đồng và quyết định số lượng hợp đồng

+ Hoặc có thể phân cấp, ủy quyền bằng văn bản cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc hoặc trực thuộc thực hiện.

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập:

+ Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là người có thẩm quyền ký hợp đồng.

+ Trường hợp không trực tiếp ký hợp đồng thì có thể ủy quyền bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị thuộc hoặc trực thuộc thực hiện.

(5) Quyền lợi của người lao động

Người lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ được hưởng tiền lương và các chế độ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động ký kết với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Tiền lương trong hợp đồng lao động được lựa chọn một trong hai hình thức:

- (1) áp dụng mức tiền lương theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật lao động. Trường hợp này, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (người sử dụng lao động) có trách nhiệm nghiên cứu, thực hiện theo quy định của pháp luật lao động, bao gồm Bộ luật Lao động, Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về mức lương theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động 2019; phụ cấp lương; chế độ nâng bậc, nâng lương...

- (2) áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức phù hợp với khả năng ngân sách của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Trường hợp này, các loại phụ cấp được hưởng (nếu có) được tính vào tiền lương của người lao động; chế độ nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến tiền lương thực hiện như công chức, viên chức.

Ngoài ra, người lao động được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

(6) Các mẫu hợp đồng và các trường hợp cần lưu ý

- Các hợp đồng được ký kết theo quy định tại Nghị định 111 được thực hiện theo 03 mẫu tại Thông tư 05.

- Các trường hợp cần lưu ý khi tổ chức triển khai:

+ Người đang thực hiện các công việc hỗ trợ, phục vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 111/2022/NĐ-CP nếu chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động theo quy định của Nghị định 161/2018/NĐ-CP và cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập không ký hợp đồng dịch vụ thì trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định 111/2022/NĐ-CP có hiệu lực, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phải chuyển sang ký hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP với người lao động (trừ trường hợp người lao động còn dưới 24 tháng đến thời điểm nghỉ hưu tính từ ngày Nghị định 111/2022/NĐ-CP có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện công việc và chế độ, chính sách đang hưởng mà không phải ký hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định này).

+ Hợp đồng lao động ký kết phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp về tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp một trong các bên không có nhu cầu thì giải quyết chế độ thôi việc theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp ký kết hợp đồng dịch vụ, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ ưu tiên ký kết hợp đồng với người đang ký hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP6Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, bảo đảm chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội và các chế độ khác mà người lao động đang được hưởng.

+ Trường hợp người lao động không có nhu cầu tiếp tục ký hợp đồng thì giải quyết chế độ thôi việc theo quy định của pháp luật.

- Lái xe phục vụ chức vụ, chức danh tương đương Bộ trưởng trở lên hoặc người đã được tuyển vào biên chế trước ngày Nghị định 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ có hiệu lực và đang làm các công việc quy định tại Điều 4 Nghị định 111/2022/NĐ-CP thì không chuyển sang thực hiện chế độ hợp đồng.

Hướng dẫn về hợp đồng với một số công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập?

Hướng dẫn về hợp đồng với một số công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập? (Hình từ Internet)

Về hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập?

Hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hướng dẫn tại Mục II Công văn 2185/UBND-NC năm 2023, cụ thể như sau:

Đơn vị sự nghiệp công lập được ký kết hợp đồng thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể:

(1) Căn cứ và thẩm quyền xác định số lượng lao động hợp đồng

1.1. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2)

Số lượng lao động hợp đồng do đơn vị tự quyết định căn cứ vào nhu cầu sử dụng nhân lực, khả năng chi trả của đơn vị và đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3):

+ Căn cứ để xác định số lượng lao động hợp đồng được ký để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước gồm:

- Định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành để xác định số lượng người làm việc (trường hợp bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa ban hành định mức thì số lượng người làm việc được xác định theo Đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

- Số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao trong năm.

- Mức tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ các căn cứ nêu trên, đơn vị xác định số lượng lao động hợp đồng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước được ký trong năm là số chênh lệch giữa số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao với số lượng người làm việc theo định mức do bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành (trường hợp bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa ban hành định mức thì định mức thực hiện theo Đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

+ Thẩm quyền quyết định số lượng lao động hợp đồng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước:

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên, căn cứ theo tiết a, điểm 1.2 khoản 1 này và dựa theo nguồn thu, khả năng chi trả của đơn vị, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp tự quyết định số lượng lao động hợp đồng.

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo từ 10% đến dưới 70% chi thường xuyên hoặc đơn vị chưa được giao quyền tự chủ tài chính, căn cứ theo tiết a, điểm 1.2 khoản 1 này và dựa theo nguồn thu, khả năng chi trả của đơn vị, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thống nhất trước khi thực hiện. Cụ thể:

+ Các đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã phải báo cáo sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thống nhất trước khi quyết định;

+ Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố, UBND Thành phố giao Sở Nội vụ xem xét, có ý kiến; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố chỉ thực hiện sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Nội vụ.

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4):

+ Đối với đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc lĩnh vực sự nghiệp giáo dục và y tế:

Được ký hợp đồng lao động có thời gian không quá 12 tháng để làm công việc ở vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp dùng chung để bổ sung nhân lực còn thiếu so với số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao hoặc để kịp thời thay thế cho số viên chức nghỉ thai sản, thôi việc, nghỉ hưu.

+ Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực sự nghiệp giáo dục và y tế:

- Được phép ký hợp đồng lao động có thời gian không quá 12 tháng để làm công việc ở vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp dùng chung để bổ sung nhân lực còn thiếu so với số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao hoặc để kịp thời thay thế cho số viên chức nghỉ thai sản, thôi việc, nghỉ hưu.

- Được xác định số lượng lao động hợp đồng trong năm chiếm không quá 70% số chênh lệch giữa số lượng người làm việc được giao với số lượng người làm việc theo định mức do bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành. Hàng năm, đơn vị tổng hợp đề xuất số lượng lao động hợp đồng làm chuyên môn cùng với số lượng người làm việc, báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Nội vụ) để trình HĐND Thành phố xem xét, quyết định theo quy trình xây dựng kế hoạch biên chế định kỳ hàng năm.

(2) Về thẩm quyền ký kết hợp đồng

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là người có thẩm quyền ký hợp đồng. Trường hợp không trực tiếp ký hợp đồng thì có thể ủy quyền bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị thuộc hoặc trực thuộc thực hiện.

(3) Quyền lợi của người lao động

Người lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng tiền lương và các chế độ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập. Tiền lương trong hợp đồng lao động được lựa chọn một trong hai hình thức:

- (1) áp dụng mức tiền lương theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật lao động. Trường hợp này, đơn vị sự nghiệp công lập (người sử dụng lao động) có trách nhiệm nghiên cứu, thực hiện theo quy định của pháp luật lao động, bao gồm Bộ luật Lao động, Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- (2) áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức phù hợp với khả năng ngân sách của đơn vị sự nghiệp công lập. Trường hợp này, các loại phụ cấp được hưởng (nếu có) được tính vào tiền lương của người lao động; chế độ nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến tiền lương thực hiện như công chức, viên chức.

Ngoài ra, người lao động được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật lao động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Người lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ được áp dụng các quy định về quyền, nghĩa vụ của viên chức theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế, điều lệ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, thỏa thuận trong hợp đồng; việc quy hoạch, bổ nhiệm thực hiện theo quy định của Đảng và của pháp luật.

(4) Các mẫu hợp đồng và các trường hợp cần lưu ý

- Các hợp đồng được ký kết theo quy định tại Nghị định 111 được thực hiện theo 03 mẫu quy định tại Thông tư 05.

- Các trường hợp cần lưu ý khi tổ chức triển khai:

Người ký hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế thì tiếp tục thực hiện công việc đến hết thời hạn hợp đồng và được ưu tiên ký hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Nghị định 111 nếu các bên còn nhu cầu.

Kinh phí thực hiện việc ký kết hợp đồng với một số công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập lấy từ đâu?

Kinh phí thực hiện việc ký kết hợp đồng với một số công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hướng dẫn tại tiểu mục 6 Mục I Công văn 2185/UBND-NC năm 2023 và tiểu mục 5 Mục II Công văn 2185/UBND-NC năm 2023, cụ thể như sau:

(1) Kinh phí thực hiện việc ký kết hợp đồng về thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập:

- Đối với cơ quan hành chính: Kinh phí thực hiện hợp đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu khác (nếu có); nằm ngoài quỹ lương của cơ quan, đơn vị.

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 và đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 2: Kinh phí thực hiện hợp đồng được bố trí từ nguồn kinh phí tự đảm bảo của đơn vị theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3: Sử dụng nguồn thu hoạt động sự nghiệp để thực hiện hợp đồng; ngân sách nhà nước hỗ trợ (nếu có), bảo đảm không làm tăng tổng chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định.

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 4: Kinh phí thực hiện hợp đồng được bố trí trong nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

(2) Kinh phí thực hiện việc ký kết hợp đồng công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập:

- Đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 và đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 2: Kinh phí thực hiện hợp đồng được bố trí từ nguồn kinh phí tự đảm bảo của đơn vị theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3: Sử dụng nguồn thu hoạt động sự nghiệp để thực hiện hợp đồng; ngân sách nhà nước hỗ trợ (nếu có), bảo đảm không làm tăng tổng chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định.

- Đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 4 (trừ đơn vị nhóm 4 thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế): Kinh phí thực hiện hợp đồng được bố trí trong nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 4 thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế:

- Kinh phí thực hiện hợp đồng đối với số lao động hợp đồng do HĐND Thành phố quyết định theo quy định được bố trí từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách địa phương (ngoài kinh phí giao tự chủ của đơn vị).

- Kinh phí thực hiện hợp đồng đối với số lao động hợp đồng ký để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ đối với số còn thiếu so với số được cấp có thẩm quyền giao hoặc để kịp thời thay thế cho số viên chức nghỉ thai sản, thôi việc, nghỉ hưu được bố trí trong nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

 

(có 1 đánh giá)
Phạm Thị Xuân Hương
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.202 
Việc làm mới nhất