Người lao động chỉ được thử việc một lần đối với một công việc đúng không?

(có 1 đánh giá)

Hiện nay, người lao động chỉ được thử việc một lần đối với một công việc đúng không? Khi thử việc có phải ký hợp đồng thử việc bằng văn bản hay không? Nếu cho thử việc quá lâu thì có bị phạt? Thắc mắc đến từ bạn Mạnh Cường ở Kiên Giang.

Người lao động chỉ được thử việc 1 lần đối với 1 công việc đúng không?

Căn cứ tại Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời gian thử việc như sau:

Thời gian thử việc

Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.”

Theo đó, thì người lao động chỉ được thử việc một lần đối với một công việc.

Trong trường hợp thử việc nhiều lần thì người lao động vẫn có thể thử việc nhưng thử việc với vị trí công việc khác.

Đồng thời, thời gian thử việc tùy theo từng chức danh yêu cầu trình độ như thế nào, không được kéo dài thời gian thử việc quá thời hạn nêu trên đối với 1 công việc.

Theo đó, nếu doanh nghiệp muốn cho người lao động thêm thời gian để thử việc tại công ty thì phải sắp xếp cho người lao động này làm việc tại một vị trí công việc khác.

Người lao động chỉ được thử việc một lần đối với một công việc đúng không?

Người lao động chỉ được thử việc một lần đối với một công việc đúng không? (Hình từ Internet)

Cho người lao động thử việc quá thời gian quy định thì bị phạt bao nhiêu?

Căn cứ vào khoản 2 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Vi phạm quy định về thử việc

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng;

b) Không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định.2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;

b) Thử việc quá thời gian quy định;

…”

Như vậy, hành vi cho người lao động thử việc quá thời gian quy định thì bị xử phạt hành chính với mức xử phạt sẽ từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Lưu ý: theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Thử việc có bắt buộc phải ký hợp đồng thử việc bằng văn bản không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định về thử việc như sau:

Thử việc

1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.

3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.”

Theo đó, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và một số nội dung khác quy định tại Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, tuy nhiên không có quy định về hình thức giao kết hợp đồng thử việc. Nên khi giao kết hợp đồng thử việc, các bên được tùy chọn hình thức của hợp đồng.

Như vậy, khi thử việc, các bên không bắt buộc phải ký thành hợp đồng thử việc bằng văn bản. Có thỏa thuận về thử việc nhưng không ký hợp đồng vẫn được coi là đúng luật.

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc được quy định như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Tiền lương thử việc

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.”

Như vậy, theo quy định trên thì trong thời gian thử việc người lao động vẫn sẽ được hưởng ít nhất 85% mức lương của công việc.

(có 1 đánh giá)
Nguyễn Anh Hương Thảo
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.389 
Click vào đây để xem danh sách Việc làm ngành Luật hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm ngành Luật
Click vào đây để xem danh sách Việc làm ngành Luật hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm ngành Luật
Việc làm mới nhất