Như thế nào là phòng vệ chính đáng?

Từ vụ việc người đàn ông vì cứu vợ bị bắt cóc mà đã đâm chết người của nhóm hung thủ khi lan truyền trên mạng hầu hết cộng đồng mạng đều cho rằng đây là phòng vệ chính đáng. Vậy, phòng vệ chính đáng là gì và những hành động như thế nào được xem là phòng vệ chính đáng?

Phòng vệ chính đáng là gì?

Khoản 1 điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rõ:

“Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.”

Tuy nhiên nếu hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tích chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại thì được xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Hành vi phòng vệ chính đáng được loại trừ trách nhiệm hình sự

Mục đích của việc phòng vệ chính đáng là nhằm ngăn chặn các hành vi tấn công quá khích ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe của nạn nhân, người bị hại. Chính vì mục đích của phòng vệ chính đáng là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nên mặc dù người có hành vi phòng vệ gây nên thiệt hại khách quan về hình sự nhưng được miễn trừ chịu trách nhiệm hình sự.

Điều kiện xác định phòng vệ chính đáng

Hành vi tội phạm đc thực hiện xuất phát do để ngăn chặn hành vi tội phạm khác.

Hành vi tấn công đó phải có thật và đang diễn ra chứ không phải do suy đoán tưởng tượng.

Phòng vệ chính đáng phải gây thiệt hại cho chính người có hành vi tấn công đe dọa tính mạng sức khỏe người khác.

Giữa hành vi phòng vệ và hành vi tấn công phải có sự tương xứng. Sự tương xứng không có nghĩa là người tấn công sử dụng công cụ phương tiện gì thì người phòng vệ cũng sử dụng công cụ phương tiện đó hoặc hành vi tấn công gây thiệt hại đến mức nào thì người phòng vệ cũng được gây thiệt hại đến mức độ đó. Sự tương xứng ở đây được hiểu là sự tương xứng về tính chất và mức độ được xác định dựa vào các yếu tố chủ quan và khách quan.

Xem xét đánh giá hành vi được coi là phòng vệ chính đáng dựa trên nhiều khía cạnh

Khi đánh giá hành vi chống trả có cần thiết hay không phải xem xét một cách toàn diện tất cả các tình tiết của vụ án, trong đó đặc biệt là thái độ, tâm lý của người phòng vệ khi xảy ra sự việc, họ không có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn chính xác phương pháp, phương tiện thích hợp để chống trả, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ, chỉ coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng khi sự chống trả rõ ràng là quá đáng.

Một số tội danh hình thành do vượt quá phòng vệ chính đáng

Khi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng gây hậu quả xảy ra, có thể bị một số tội như sau:

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ:

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Ngoài ra tùy theo tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.636