Phòng vệ chính đáng, như thế nào là chống trả tương xứng?

Trong những tình huống khẩn cấp, khi mà quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân/tổ chức bị xâm phạm bởi một hành vi vi phạm pháp luật thì theo quy định cá nhân/tổ chức có quyền thực hiện những hành vi nhằm mục đích phòng vệ, ngăn chặn thiệt hại cho bản thân hoặc cá nhân/tổ chức có quyền và lợi ích bị xâm phạm

Tuy nhiên trong thực tế không phải ai cũng biết được hành vi của mình như thế nào là hợp lý, trong trường hợp quyền và lợi ích bị xâm phạm thì phải ứng xử ra sao để không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Theo hướng dẫn của Mục II, của Nghị quyết 02-HĐTP-TANDTC/QĐ, HĐTP TANDTC có hướng dẫn áp dụng các tình tiết để xem xét một hành vi có phải là phòng vệ chính đáng hay không.

Theo đó một hành vi được xem là phòng vệ chính đáng là một hành vi đáp đả phải có sự tương xứng, cụ thể:

Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.

Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.

Để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như:

- Khách thể cần bảo vệ (thí dụ: bảo vệ địa điểm thuộc bí mật quốc gia, bảo vệ tính mạng);

- Mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng;

- Nhân thân của người xâm hại (nam, nữ; tuổi; người xâm hại là côn đồ, lưu manh…);

- Cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc (nơi vắng người, nơi đông người, đêm khuya) v.v…

Đồng thời cũng cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ.

Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và gây thiệt hại rõ ràng quá mức (như: gây thương tích nặng, làm chết người) đối với người có hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không tương xứng và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngược lại, nếu hành vi chống trả là tương xứng thì đó là phòng vệ chính đáng.

Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.574 
Việc làm mới nhất