Sự sụp đổ của giáo dục đồng nghĩa với sự sụp đổ của một quốc gia

Học sinh bị bạo hành đến mức cha mẹ lắp camera, cô giáo chấm bài vứt vở học sinh xuống đất... cho thấy sự xuống cấp của một bộ phận giáo viên.

"Chúng ta không phủ nhận các thành tựu giáo dục trong thời gian qua", đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (đoàn Khánh Hòa) mở đầu phát biểu về nội dung giáo dục của mình trong phiên thảo luận tại Quốc hội vào sáng nay (31/10).

Theo bà Thu, thời gian qua hệ thống trường lớp và quy mô phát triển nhanh của một nền giáo dục toàn dân, đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân, nâng cao trình độ kỹ năng, kỹ thuật nghề nghiệp cho người lao động, cùng với đó là công bằng trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ với người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn... Giáo dục đào tạo và hợp tác quốc tế đạt được nhiều thành tựu, như lần đầu tiên nước ta có 2 trường ĐH có tên trong danh sách những trường đại học hàng đầu trên thế giới.

Sự sụp đổ của giáo dục đồng nghĩa với sự sụp đổ của một quốc gia - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (đoàn Khánh Hòa)

Bên cạnh những thành tựu, đại biểu đoàn Khánh Hòa cho biết, hiện cử tri vẫn còn rất nhiều băn khoăn về chất lượng giáo dục và quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học.

"Tại mầm non, học sinh bị bạo hành bởi chính những cô nuôi dạy trẻ, quản lý giáo dục ở cấp cơ sở gọi là chất lượng cao nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng khiến cho cha mẹ hết sức bất an. Cô giáo chấm bài vứt vở xuống đất để các em học sinh lên nhặt, đánh học sinh thường xuyên đến mức cha mẹ các em phải đặt camera cho thấy sự xuống cấp của một bộ phận giáo viên. Vấn nạn học thêm dạy thêm, mua điểm gian lận thi cử hết sức nhức nhối như tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La...", bà Thu cho biết.

Theo nữ đại biểu này, đây là hệ quả một nền giáo dục được quản lý lỏng lẻo, cải tiến giáo dục không đi đôi với đổi mới cơ chế.

Sự sụp đổ của giáo dục đồng nghĩa với sự sụp đổ của một quốc gia - Ảnh 2.

Theo đại biểu Thu đang có sự xuống cấp của một bộ phận giáo viên

"Dù vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục, cơ sở vật chất đầu tư cho giáo dục tăng, phương tiện cho giáo dục hiện đại nhưng học sinh không tiếp thu được nhiều kiến thức. Học giả, - thi giả vẫn được thừa nhận, thậm chí được cấp bằng xuất sắc, tìm được chỗ làm tốt nhờ cơ chế mua bán, xin cho. Điều này tác động lớn đến tâm lý học sinh, sinh viên gia đình, làm mất động lực phấn đâu của những em học sinh nghèo học giỏi", bà Thu nhấn mạnh.

Chính vì điều này theo đại biểu đoàn Khánh Hòa khiến cho cơ hội tìm kiếm nhân tài của quốc gia vì thế mà mất dần. Chảy máu chất xám không có dấu hiệu giảm xuống dù Chính phủ có rất nhiều chính sách thu hút nhân tài.

Để cảnh báo cho việc cần đẩy nhanh nâng cao chất lượng giáo dục, bà Thu đã trích dẫn phát biểu rất nổi tiếng của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.

"Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy. Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy. Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia", đại biểu Thu trích dẫn.

14.775 
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Giáo viên hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Giáo viên
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Giáo viên hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Giáo viên