Tất tần tật về ngành Tài chính – Ngân hàng

(có 1 đánh giá)

Mỗi mùa tuyển sinh tới thì Tài chính - Ngân hàng là ngành học mà đông đảo các bạn học sinh và phụ huynh quan tâm. Mọi người sẽ có chung thắc mắc Tài chính – Ngân hàng là gì? Thi gì để học ngành này? Cơ hội việc làm ra sao. Bài viết dưới đây NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT sẽ làm rõ tất tần tật về ngành học “hot hit” này.

Ngành Tài chính – Ngân hàng là gì?

Tài chính – Ngân hàng có tên tiếng anh là Finance and Banking. Là ngành học tương đối rộng bao quát toàn bộ các hoạt động liên quan đến giao dịch tiền tệ và kinh doanh thông qua ngân hàng. Liên quan đến các dịch vụ giao dịch, luân chuyển tiền tệ thông qua ngân hàng và các công cụ tài chính của ngân hàng phát hành trong phạm vi nội địa và quốc tế.

Tài chính ngân hàng là một phạm trù rất rộng, bao gồm các lĩnh vực nhỏ và chuyên biệt hơn như ngân hàng, tài chính doanh nghiệp, tài chính thuế, tài chính bảo hiểm, phân tích tài chính, kinh tế học tài chính,...

Ngành Tài chính – Ngân hàng

Các chuyên ngành tiêu biểu của ngành Tài chính – Ngân hàng

  • Ngân hàng: Chuyên ngành này sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về tài chính, ngân hàng, tiền tệ, quản trị tín dụng, quản trị vốn và tài sản, các kiến thức về phát hành tiền, thẩm định hạn tín dụng. Các kiến thức về quản lý tài chính – tiền tệ hiện đại, quản trị tài chính trong doanh nghiệp, ngân hàng thương mại và các định chế tài chính phi ngân hàng, các công cụ quản lý rủi ro tài chính, kiến thức về các quy trình hoạt động tài chính, thống kê, kế toán, thuế, bảo hiểm trong ngân hàng và doanh nghiệp…
  • Quản lý Tài chính công: Cung cấp các kiến thức quản lý tài chính công của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế để sinh viên có thể áp dụng khi thực hiện quản lý tài chính tại tổ chức quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước. Cùng với đó, là các kiến thức về thiết kế, đánh giá và tư vấn về các chính sách công; nắm bắt và ứng dụng tốt các nguyên tắc quản trị khu vực công; các kỹ năng phân tích trong quản trị tài chính.
  • Tài chính doanh nghiệp: Đào tạo cử nhân kiến thức cơ bản về Tài chính doanh nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về công tác quản lý tài chính doanh nghiệp. Có khả năng thẩm định tài chính các dự án đầu tư, phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp; có kiến thức chuyên sâu về các nghiệp vụ huy động, quản lý và sử dụng vốn; nắm được các kiến thức liên quan đến quy trình hạch toán kế toán, các nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, định giá, chứng khoán; am hiểu các quy định của Nhà nước về quản lý doanh nghiệp, các quy định của luật thuế; nắm được kiến thức bổ trợ về pháp luật kinh doanh - thương mại, chính sách thuế…
  • Thuế: Theo học chuyên ngành này, sinh viên sẽ có các kiến thức chuyên sâu về thuế như: am hiểu lý thuyết thuế, các chính sách thuế, các luật thuế; nắm chắc quy trình quản lý thuế của cơ quan thuế, quy định về lập hồ sơ kê khai thuế; kiến thức liên quan đến quy trình hạch toán kế toán thuế; nắm được kiến thức bổ trợ về pháp luật, các cam kết quốc tế về thuế.
  • Tài chính quốc tế: Chuyên ngành này đào tạo chuyên sâu về Tài chính quốc tế, các nghiệp vụ liên quan đến tài chính quốc tế như: kinh doanh quốc tế (kinh doanh ngoại tệ, kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm…), thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, thanh toán quốc tế, tín dụng quốc tế, tỷ giá hối đoái; am hiểu các quy trình, nghiệp vụ về tài chính quốc tế, các quy trình quản trị dự án đầu tư quốc tế, quản lý dự án ODA, quản lý nợ, kế toán quốc tế, quản trị tài chính công ty đa quốc gia.
  • Đầu tư tài chính: Đào tạo các kiến thức chuyên sâu về đầu tư tài chính,các kỹ năng phân tích và dự báo thị trường, kỹ năng đầu tư tài chính; nắm chắc các kiến thức liên quan đến thị trường Tài chính, đến rủi ro và cách thức quản lý rủi ro các công cụ đầu tư trên thị trường Tài chính; các hoạt động quản lý của cơ quan quản lý thị trường tài chính; hoạt động quản lý Nhà nước về thị trường tài chính và Đầu tư tài chính; nắm chắc các kiến thức liên quan đến quy trình hạch toán kế toán trong đầu tư tài chính; am hiểu các quy định của Nhà nước về thị trường tài chính và đầu tư tài chính. Nắm vững kiến thức bổ trợ về pháp luật có liên quan đến quản lý thị trường tài chính và đầu tư tài chính.

Thi gì và được học gì ở ngành Tài chính – Ngân hàng

  • Các trường cao đẳng tuyển sinh ngành này hầu hết xét tuyển các tổ hợp môn thi đại học như A00; A01; D01.
  • Sinh viên ngành Tài chính ngân hàng được cung cấp kiến thức về lĩnh vực phân tích tài chính và đầu tư trên thị trường vốn, thị trường tiền tệ trong quá trình toàn cầu hóa.
  • Nắm bắt kiến thức vững chắc về thực hành các nghiệp vụ trong ngân hàng thương mại hiện đại; có chuyên môn sâu về phân tích, dự báo liên quan đến tài chính, tiền tệ nhằm đưa ra quyết định trong quản trị tài chính.
  • Theo học ngành Tài chính ngân hàng, bạn được trang bị các môn học cụ thể như: Kinh tế vi mô, Nhập môn tài chính doanh nghiệp, Nguyên lý kế toán, Nguyên lý thống kê, Quản trị học, Phương pháp phân tích định lượng, Tài chính quốc tế, Tài chính doanh nghiệp, Thị trường tài chính, Thẩm định tín dụng, Thanh toán quốc tế...

Cơ hội việc làm của ngành Tài chính- Ngân hàng

Ngành nghề này gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nên dù bao nhiêu năm trôi qua thì nhu cầu nhân lực ngành Tài chính – Ngân hàng là không thuyên giảm. Khi tốt nghiệp ngành học bạn có thể làm việc tại các công việc như sau:

  • Chuyên viên tín dụng ngân hàng;
  • Chuyên viên kế toán, kiểm toán nội bộ ngân hàng thương mại,
  • Kế toán viên phòng thanh toán quốc tế,
  • Nhân viên kinh doanh ngoại tệ;
  • Chuyên viên kinh doanh tiền tệ;
  • Chuyên viên quản trị tài sản và nguồn vốn;
  • Chuyên viên tài trợ thương mại;
  • Chuyên viên phân tích tài chính doanh nghiệp;
  • Chuyên viên định giá tài sản;
  • Chuyên viên phân tích đầu tư chứng khoán
  • Chuyên viên mua bán, sát nhập doanh nghiệp
  • Giảng viên ngành tài chính ngân hàng .....

Mức lương ngành Tài chính – Ngân hàng

Đối với ngành nghề này thì khung lương sẽ tùy thuộc vào kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm làm việc của nhân viên. Cụ thể như sau:

  • Sinh viên mới ra trường: Thuộc đối tượng chưa có kinh nghiệm trong công việc, cần có khoảng thời gian hướng dẫn và được công ty tiến hành đào tạo, nên mức lương cơ bản sẽ dao động từ 6 - 9 triệu đồng.
  • Đối với những cá nhân đã có kinh nghiệm làm việc từ 1 - 2 năm, không cần qua đào tạo tại công ty, mức lương của bạn sẽ được trả cao hơn và dao động trong khoảng 10 - 15 triệu.
  • Đối với các cá nhân có năng lực, giàu kinh nghiệm trong ngành Tài chính - ngân hàng và có thâm niên trong nghề tư 3 - 5 năm, các công ty, doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương cao lên đến 20 - 25 triệu/tháng.

Hi vọng những chia sẻ từ bài viết sẽ giúp bạn đọc nắm rõ chi tiết hơn về ngành học Tài chính – Ngân hàng.

(có 1 đánh giá)
Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.276